Ngày 25/12/2017,Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 2082/QĐ-TTg công nhận Di tích Thành Điện Hải (Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với người dân TP. Đà Nẵng mà là niềm vui chung của đồng bào cả nước và những người nặng lòng với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đây là 1 trong số ít chứng tích còn sót lại, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc Việt Nam, đặc biệt đối với nhân dân Đà Nẵng trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp vào thế kỷ 19.
Được xây dựng từ năm Gia Long thứ 12 (1813) và dời về vị trí như ngày nay vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823), Thành Điện Hải là một trong những công trình phòng thủ quan trọng nhất ở xứ đàng Trong nhằm kiểm soát tàu thuyền vào ra cửa Đà Nẵng. Tại đây vào năm 1858 là nơi quân và dân Đà Nẵng kháng cự mãnh liệt trước thực dân Pháp, buộc chúng phải bỏ ý định đánh chiếm Đà Nẵng. Trải qua gần 2 thế kỷ, di tích Thành Điện Hải đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2016 đến nay di tích Thành Điện Hải đang được ngành chức năng TP. Đà Nẵng lên kế hoạch tôn tạo phục hồi và phát huy các giá trị của di tích.
Để tái tạo, phục hồi di tích, ngành văn hóa TP. Đà Nẵng đang thực hiện chủ trương giải tỏa, di dời 80 hộ dân sống xung quanh bờ tường phía Tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phía Bắc để trả lại cảnh quan cho di tích. Phấn đấu đến năm 2021, dự án "Tái tạo phục hồi nguyên trạng và tượng trưng di tích Thành Điện Hải" sẽ hoàn tất để nơi đây không chỉ là điểm giáo dục truyền thống yêu nước, nơi nghiên cứu khoa học mà còn trở thành địa chỉ du lịch phục vụ khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.