Một ví dụ ở vùng biển Phú Yên, mùa khai thác hải sàn năm nay, nhiều tàu cá lỗ tổn phí. Điều này đẩy ngư dân vào tình cảnh: nếu không sửa chữa tàu cá thì sắp tới không thể vươn khơi, còn nếu sửa tàu thì ngư dân lại không có đủ chi phí. Cơn sốt tín dụng đen, cũng vì thế mà bùng phát ở vùng biển.
Gỗ dành để sửa vỏ tàu, giá thấp nhất cũng lên đến 12 triệu đồng một m3. Một ngày công thợ sửa tàu, ít nhất cũng đã là 400 ngàn đồng. Chi phí sửa tàu tăng vọt. Những tàu cá chỉ sửa chữa nhỏ, trong tay ngư dân phải có tối thiểu 50 triệu đồng. Còn những tàu sửa chữa lớn, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Vốn để sửa chữa tàu cá, trở thành sức ép lớn đối với nhiều gia đình ngư dân ở tỉnh Phú Yên khi năm nay, chuyến biển no thì ít mà chuyến biển đói thì nhiều.
Thực tế ở vùng biển, những ngư dân tiếp cận được vốn vay ngân hàng chủ yếu là những trường hợp nằm trong dự án đóng tàu theo Nghị định 67 với số vốn nhiều tỷ đồng. Còn những khoản tiền trên dưới 100 triệu đồng, cả phía ngư dân lẫn ngân hàng đều ngại ngần để thực hiện các hợp đồng vay tín dụng.
Cũng vì lý do này mà cứ đến mùa sửa chữa tàu cá, tình trạng vay tiền nóng lại bùng phát ở vùng biển. Dạng thức tín dụng vi mô, linh hoạt từ phía các ngân hàng, để ngư dân trang trải trong những lúc sửa chữa tàu cá, hiện vẫn là khoảng trống ở vùng biển. Chính khoảng trống này là đất sống cho tín dụng đen. Mùa biển động- mùa sửa chữa tàu cá, bởi thế, tiếp tục là những tháng ngày khó khăn bủa vây làng biển
Trước thực tế hết sức nổi cộm về tín dụng đen ở vùng biển trong mùa sửa chữa tàu cá hiện nay, câu hỏi đặt ra: đâu là hướng để ngư dân có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng, tránh sa vào tín dụng đen? Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng: đã đến lúc cần có những dạng thức cho vay vốn phù hợp với cách thức sản xuất và cả cách sống của ngư dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!