Nhiều năm trước đây, khu vực các xã biên giới của tỉnh Gia Lai vốn là vùng đất hoang hóa, ít người qua lại. Vậy mà giờ đây xuất hiện nhiều ngôi làng trù phú, với những tuyến đường giao thông thuận lợi đến các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Không gian đầy sức sống nơi biên ải là kết quả của sự đầu tư trong nhiều năm qua của Đảng và nhà nước cùng sự phấn đấu vươn lên của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, hệ thống chính trị các xã vùng biên giới của Chư Prông đã cùng người dân đoàn kết, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, giúp chất lượng cuộc sống của bà con được nâng lên.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng sự đổi thay từng ngày trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Sau 14 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, đến nay, Gia Lai đã có 96/182 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (trong đó có 128 làng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận). Riêng huyện Chư Prông, đến hết năm 2024 có 09/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 42%. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, diện mạo nông thôn của huyện Chư Prông có nhiều đổi thay.
Ia Tor và Ia Pior là 2 xã mới đây nhất trong 9 xã của Chư Prông đạt các tiêu chí Nông thôn mới sau một chặng đường dài phấn đấu, nâng tỷ lệ đạt NTM của địa phương này gần 50%. Có được kết quả này là nhờ các địa phương kết hợp những cuộc vận động lớn trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân theo hướng tích cực.
Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng làng Nông thôn mới bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện ý thức làm chủ của người dân. Hiện trên địa bàn Chư Prông đã xây dựng được một số mô hình chuyển giao khoa học công nghệ như: Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển cà phê, hồ tiêu và bơ; Mô hình sản xuất lúa Mùa và lúa Đông Xuân tại các xã Ia Vê, Ia Mơ, Ia Púch, Ia Boòng, Bình Giáo; Mô hình sản xuất lúa bằng phân hữu cơ kết hợp cơ giới hóa tại xã Ia Lâu, v.v.
Trong giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh Gia Lai đã huy động gần 2.786 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong xây dựng Nông thôn mới, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình gần 577 tỷ đồng, còn lại là nguồn lực trong dân và nguồn lực xã hội hóa.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Chư Prông nói riêng đã có một bước tiến dài, từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức đến chuyển biến thành hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với yếu tố bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!