Gia Lai là vùng đất hội tụ của 44 dân tộc anh em, trong đó người Jrai, Bahnar là những dân tộc bản địa. Họ là chủ nhân của nhiều di sản văn hóa đặc sắc như cồng chiêng, thổ cẩm, đan lát và tạc tượng. Sự kết hợp giữa các loại hình này đã tạo nên một văn hóa Tây Nguyên đa sắc màu và đầy quyến rũ với tất cả mọi người, dù chỉ một thoáng qua. Không chỉ được biết đến với cồng chiêng và những bản trường ca dài bất tận, vùng đất bắc Tây Nguyên này còn được nhớ đến khi sở hữu trong mình nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Đó là sự phong phú trong các họa tiết của sắc màu thổ cẩm, sự tinh tế trong các đường nét đan lát và các bức tượng được thổi hồn. Tất cả đang được đồng bào nơi đây gìn giữ, nâng niu.
Tỉnh Gia Lai hiện đang triển khai nhiều chuỗi các hoạt động nhằm khôi phục, bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; đó cũng là cách hóa giải bài toán kết hợp phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác "sức mạnh mềm" của mạch nguồn văn hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!