Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, mặc dù đã đến kỳ phải trả nợ vốn vay theo Nghị định 67, nhưng không ít ngư dân lại rơi vào tình cảnh không biết lấy gì để trả. Có được tàu lớn được đóng mới, nâng cấp từ nguồn vốn Nghị định 67, tưởng như ngư dân sẽ ăn nên làm ra, nhưng không ít trường hợp ngư dân lại chất chồng những khoản nợ.
Tàu 67 – Theo cách gọi của ngư dân, đều là những tàu cá công suất lớn. Chi phí chuyến biển, cũng vì thế mà tăng thêm 30- 40% so với các tàu cá lâu nay. Một chuyến câu cá ngừ đại dương cần từ 100- 130 triệu đồng. Để đủ tổn phí, chuyến biển phải khai thác hơn 1 tấn cá. Nhưng rất ít tàu đạt được sản lượng này.
Tính đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại ở tỉnh Khánh Hòa đã ký hợp đồng tín dụng cho vay 31 tàu cá để đóng mới, nâng cấp. Số tiền mà các ngân hàng giải ngân hơn 285 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện tại, nợ xấu đã lên đến 31 tỷ đồng, chiếm hơn 11%. Nguyên nhân chính, không gì khác vẫn là do những chuyến biển thua lỗ kéo dài. Trong khi đó, với phân kỳ trả nợ gốc lẫn lãi vay mà các ngân hàng đưa ra, càng khiến cho ngư dân dễ rơi vào cảnh nợ quá hạn.
Hiện tại, các ngân hàng đang tăng cường quản lý doanh thu và tài sản đảm bảo đối với các tàu cá đóng mới, nâng cấp từ vốn vay Nghị định 67. Nhiều ngân hàng cũng đã đề xuất các cơ quan chức năng : thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 để Ngân hàng có đầy đủ cơ sở quản lý nguồn thu, giám sát, thu giữ, quản lý phương tiện đánh bắt trong trường hợp chủ tàu không trả được nợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!