Hơn 2 tháng qua, các địa phương ở Phú Yên đã ghi nhận đến 14 vụ với 33 người bị chó nghi dại cắn, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Đáng lo ngại hiện nay là trong 3 địa phương ghi nhận có chó nghi dại cắn người nhiều nhất tại Phú Yên thì phần lớn do chó thả rông gây ra và số người bị chó, mèo cắn tại Phú Yên phải đi tiêm ngừa gia tăng gấp đôi so với năm ngoái với gần 3.000 mũi tiêm. Điều đáng nói là có nhiều vụ chó thả rông nghi dại cắn rất nhiều người. Điều này khiến người dân bức xúc, còn ngành y tế lo ngại bệnh Dại sẽ bùng phát trong mùa nắng nóng này nếu không quản lý được chó thả rông.
Năm ngoái, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt 64%. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều người dân vẫn chưa quan tâm đến việc tiêm phòng vacxin cho chó, mèo, trong khi đó thói quen nuôi chó thả rông vẫn còn hiện diện khắp nơi. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn bùng phát bệnh Dại, nhất là thời điểm này đang bước vào mùa nắng nóng.
Rõ ràng, chó thả rông đã gây ra những nỗi đau không nhỏ nếu người dân không chủ động xử lý kịp thời. Cơ quan chức năng khuyến cáo: Khi bị chó, mèo cắn thì người dân phải đến cơ sở Y tế để tiêm phòng vắc xin Dại, tuyệt đối không được sử dụng thuốc nam để chữa bệnh. Trước tình trạng, số người bị chó nghi dại cắn gia tăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường phòng chống bệnh Dại trên động vật.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, chỉ mới trong tháng 1 năm 2024 đã có 1.328 người bị chó cắn. Trong khi đó, tính đến ngày 04/3 vừa qua các địa phương tiêm vắc xin Dại được hơn 3.100 con, đạt tỷ lệ khoảng 11% tổng đàn chó, mèo toàn tỉnh. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thống kê và lập danh sách những hộ nuôi chó, mèo để quản lý và có biện pháp bắt giữ chó, mèo nuôi để tiêm phòng; Yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo chấp hành việc tiêm phòng, khi chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm theo quy định và căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó, mèo. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng, chống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!