TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Giải bài toán nhân lực ngành công nghệ phần mềm

Trần Long, Trần HuyCập nhật 17:17 ngày 10/12/2021

VTV.vn-Việt Nam hiện thiếu khoảng nửa triệu nhân lực CNTT. Với hàng chục nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, việc đào tạo đủ nguồn nhân lực trong công nghệ phần mềm là bài toán khó.

18,3% là con số tăng trưởng bình quân hằng năm của doanh thu ngành xuất khẩu phần mềm Việt Nam giai đoạn 2015-2019. Riêng năm 2021, nước ta đứng thứ 6 thế giới về gia công dịch vụ phần mềm, với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Bắc Mỹ và Châu Âu. Những số liệu này từ Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh của ngành phần mềm, đặc biệt là phần mềm xuất khẩu. Lúc này, vấn đề quan trọng nhất của các doanh nghiệp là duy trì được đội ngũ sản xuất, vì ngành công nghiệp phần mềm phụ thuộc rất nhiều vào con người, kéo theo cạnh tranh nhân lực và tỷ lệ nhảy việc cao.

Việt Nam hiện có hơn 1 triệu lao động trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó, lao động phần cứng chiếm 75% với hơn 800.000 người. Còn lại hơn 200.000 chuyên gia, lao động làm việc trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin. Nếu như không có lời giải phù hợp về đầu tư nguồn lực, đặc biệt trong giãn cách thì phải học từ xa rất khó khăn, thì chúng ta sẽ thụt lùi so với thế giới.

Mỗi năm cả nước có khoảng 70.000 sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp từ các trường đại học cao đẳng, cơ sở dạy nghề. Nhưng vấn đề không chỉ số lượng mà còn là chất lượng. Kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng mềm vẫn đang là điểm yếu của phần lớn nhân lực Việt Nam. Nói điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp không thể vượt qua rào cản này, bởi theo các chuyên gia - vốn là lực lượng lao động trẻ, chịu khó học hỏi thì trở ngại này hoàn toàn khắc phục được. Điều cần nhất là cái gốc đào tạo.

Bên cạnh sử dựng nguồn nhân lực trong nước, vấn đề thu hút các nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài cũng là xu thế tất yếu. Nhiều kiến nghị đã đưa ra về việc cân nhắc, tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam nếu có hộ chiếu vắc-xin, đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100.000 doanh nghiệp CNTT và lọt top 3 thế giới về dịch vụ phần mềm cho nước ngoài. Để đạt mục tiêu này, giải quyết bài toán nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi, cần sự vào cuộc của một nhạc trưởng lớn hơn cấp tỉnh thành, bên cạnh chính sách phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương và sự nỗ lực, chủ động từ phía doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xây dựng vùng trồng hướng đến tiêu thụ sản phẩm

VTV.vn- Việc đăng ký mã số vùng trồng đang dần được nông dân quan tâm, bởi sản phẩm có mã vùng trồng không chỉ gia tăng giá trị cho sản phẩm mà còn tiêu thụ dễ dàng hơn.