Với tổng diện tích gần 97 nghìn 400 ha, Gia Lai là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 4 trong cả nước. Trong đó, sản phẩm cà phê Robusta của Gia Lai được các chuyên gia đánh giá cao khi có hương vị đặc trưng riêng, được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc triển khai dòng sản phẩm cà phê Robusta mở ra một hướng đi mới. Cà phê đặc sản là sản phẩm có quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt theo các tiêu chí của các tổ chức về cà phê thế giới. Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững.
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng và chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng cho sản phẩm cà phê Robusta của Gia Lai được cụ thể hoá bằng Đề án phát triển cà phê đặc sản là cách mà chính quyền đồng hành cùng với người nông dân và doanh nghiệp.
Trên thực tế, ngoài giá trị về mặt thương hiệu thì việc phát triển cà phê đặc sản đem lại doanh thu cao hơn gấp 4 lần so với cà phê thương mại. Mục tiêu của Đề án đến năm 2030 diện tích canh tác cà phê đặc sản sẽ đạt khoảng 2 nghìn 300 ha tại địa bàn 6 xã thuộc 3 huyện là Đak Đoa, Ia Grai và Chư Prông. Điều đó sẽ góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Gia Lai trên thị trường thế giới.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng cà phê của tỉnh Gia Lai đạt xấp xỉ 300 triệu USD, chiếm hơn 1 nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản của địa phương này. Tuy chiếm ưu thế về số lượng nhưng suốt một thời gian dài trước đó, quy trình sản xuất cà phê tại Gia Lai chưa thực sự bền vững. Trong khi địa phương này hoàn toàn có thể sản xuất ra cà phê chất lượng tốt đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!