TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Hàng vạn lao động mất cơ hội sang Hàn Quốc

Phú Thạnh, Xuân Hòa, Duy HiệpCập nhật 07:41 ngày 12/05/2018

VTV.vn - Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam. Nhưng đây cũng là thị trường có tỉ lệ người lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều nhất.

Thực trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đã diễn ra trong nhiều năm qua. Năm nay, tình trạng này vẫn tái diễn và đang đe dọa đến sự đóng cửa từ phía Hàn Quốc đối với lao động Việt Nam nếu như không giảm được tỉ lệ người lao động hết hạn hợp đồng mà vẫn chưa về. Mới đây, sau khi thống nhất và theo đề nghị của phía Hàn Quốc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2018 đối với 49 quận/huyện các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo công văn 1665 ngày 4/5/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội  quyết định tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2018 đối với 49 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. 49 quận/huyện này thuộc 12 tỉnh, thành: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ. Cũng theo Công văn 1665 của Bộ LĐ-TB-XH, có đến 107 quận/huyện của 12 tỉnh, thành nói trên thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc năm 2018 vì có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30%.

Hiện nay, Hàn Quốc đang tiếp nhận lao động từ 16 quốc gia phái cử lao động tới làm việc. Các nước này đều có lao động bỏ trốn, nhưng theo thống kê của Hàn Quốc tỷ lệ trung bình của các nước chỉ khoảng 8% đến 9%, nước nhiều nhất cũng chỉ chiếm 15% đến 16%. Riêng Việt Nam tỷ lệ lao động bỏ trốn những năm qua lên tới 32%, thậm chí 40% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Hàng vạn lao động trong nước đã bị chặn đứng hy vọng xuất cảnh lao động bởi chính những người đồng hương của họ đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Sự việc này đã gây ra nhiều hệ lụy cho những người lao động hợp pháp, cũng như ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam. Năm 2018, thị trường Hàn Quốc đóng hay mở phụ thuộc rất nhiều vào việc giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại thị trường này. Giải pháp cho vấn đề này vẫn còn cần trao đổi nhiều từ phía chuyên gia, nhà quản lý và chính người lao động. Trong đó, tuyên truyền vận động vẫn là giải pháp chủ yếu nhằm giảm số lượng người lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc. 

Cái lý của người lao động bỏ trốn là kiếm tiền lo cho tương lai bản thân, gia đình. Tuy nhiên, còn có một số người Việt Nam tại Hàn Quốc tiếp tay cho hành động này. Cùng với đó, có không ít cá nhân, doanh nghiệp ở Hàn Quốc cũng vì lợi ích mà "lách luật", thu nhận người lao động bỏ trốn làm việc. Cần phải lưu ý, cách đây hai năm, vào tháng 5/2016, Bộ LĐ-TB và XH đã cùng với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ bình thường hóa việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Trong biên bản, phía Hàn Quốc đưa ra điều kiện nếu tỷ lệ người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết thì sẽ dừng việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Có thể thấy, công sức đàm phán để nối lại biên bản ghi nhớ sau một thời gian tạm dừng có nguy cơ thất bại nếu chúng ta không bảo đảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn như thỏa thuận. Và thời hạn đó đang tới, sau 2 năm ký biên bản ghi nhớ.

Ngư dân tuân thủ quy định khai thác hải sản

VTV.vn - Cùng với cả nước, ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung quyết tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác IUU, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo "thẻ vàng".