TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Hành trình giảm thải nhựa tại thành phố Huế

Vĩnh Yên, Phan Hương, Trung ThànhCập nhật 16:07 ngày 07/12/2024

VTV.vn - Thành phố Huế đã ký cam kết trở thành Đô thị giảm nhựa, hướng đến mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường.

Để ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa, bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển, thành phố Huế đã ký cam kết trở thành Đô thị Giảm nhựa, hướng đến mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường. Thông qua Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" (gọi tắt là Dự án TVA), từ năm 2022 đến nay, Dự án đã phối hợp với các bên liên quan triển khai nhiều mô hình và giải pháp nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn phát sinh, mở rộng mạng lưới thu gom và cải thiện hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn, tạo ra những chuyển biến tích cực.

Trong hơn 03 năm triển khai các hoạt động can thiệp, Dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm thiểu rác thải nhựa tại Huế, trong đó thu gom và quản lý được 570 tấn rác thải nhựa thông qua can thiệp của Dự án. Nhiều mô hình, sáng kiến và giải pháp đã và đang được triển khai thành công trên địa bàn thành phố Huế, cụ thể như: 

+ Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai trên toàn địa bàn 36 phường, xã của TP Huế, góp phần truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về phân loai rác thải tại nguồn. 

+ Mô hình "Trường học giảm nhựa" lan tỏa đến 51 trường tiểu học và trung học cơ sở, thu hút sự tham gia của hơn 155.000 giáo viên và học sinh.

+ Mô hình du lịch giảm nhựa tại thành phố Huế đạt được thành quả tích cực: 41 đơn vị, bao gồm khách sạn, công ty lữ hành và nhà hàng đã ký cam kết triển khai giảm nhựa. 12 khách sạn đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm nhựa tại đơn vị. 4 đơn vị lữ hành cam kết và hiện đang thực hiện các tour du lịch giảm rác thải nhựa.

Dự án triển khai thành công việc áp dụng công nghệ và giải pháp thông minh trong quản lý chất thải rắn với việc phối hợp đồng hành cùng Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế, phát triển phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân tích hình ảnh từ camera giám sát trên đường phố nhằm nhận diện rác thải đổ không đúng quy định.

Đặc biệt, các chuỗi sự kiện như: Hue Plogging, Tuần lễ/Tháng không túi Nilon, Ngày hội tái chế, Ngày hội giảm nhựa, Thử thách làm cho thế giới sạch hơn, Chủ Nhật xanh… với hàng ngàn người hưởng ứng, bao gồm học sinh, sinh viên, trung niên cho đến những người lớn tuổi với hàng tấn rác thải được thu gom. Những hoạt động này góp phần xóa các "điểm nóng" ô nhiễm, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng nhựa của người dân. Dự án này được thực hiện từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Na Uy và hiệu quả trong hơn 3 năm triển khai được đánh giá cao. Từ những kết quả trên, năm 2025, dự án sẽ không chỉ thực hiện tại thành phố Huế mà tiếp tục mở rộng ra các huyện Phú Vang, Quảng Điền và Thị xã Hương Thủy.

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm trên chặng đường đưa Huế trở thành một hình mẫu về thành phố xanh, không rác thải nhựa, song những thành quả đạt được từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các hội đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng người dân, với nguồn lực hỗ trợ từ Dự án - đã góp phần xây dựng Huế một thành phố "xanh, sạch, sáng", xứng đáng là thành phố du lịch sạch ASEAN.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Phía sau "bẫy buôn người"

VTV.vn - Tình trạng các nạn nhân bị lọt bẫy buôn người dưới nhiều hình thức khác nhau đã và đang xảy ra khá phổ biến, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gây ra nhiều hệ lụy.