Sau một thời gian thám sát và khai quật khảo cổ học, đơn vị tư vấn đã trình bày 2 phương án: Phương án 1 là phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng I bảo vệ di tích, một đoạn tuyến đường Thiên Lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng vào thời kỳ nhà Nguyễn. Các công trình nằm giữa ranh giới vùng bảo vệ I và II của di tích sẽ được bảo tồn. Phươn án 2 là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định có trước giai đoạn 1975 đặc biệt là thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất. Dự kiến bắt đầu triển khai vào năm 2019. Nguồn vốn thực hiện dự án được lấy từ nguồn ngân sách, nguồn thu của địa phương và các nguồn tài trợ, xã hội hóa khác. Hầu hết các đại biểu đều tán thành phương án 1, nhằm bảo tồn tối ưu nhất, truyền tải được ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của di tích Hải Vân Quan.
Kết luận hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục di sản văn hóa nhấn mạnh: "Tán thành các hạng mục đề xuất của phương án 1, tuy nhiên cần phục hồi di tích làm sao thật sống động, hấp dẫn." Hải Vân Quan là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, do đó việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của di tích trong giai đoạn này là hết sức cấp thiết, góp phần gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc, phát triển kinh tế, du lịch.