Chiều 29/5, tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), Ban quản lý Dự án Trường Sơn Xanh phối hợp với tổ chức WWF Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá ban đầu về kết quả khảo sát, thống kê đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn nằm trong vùng dự án Trường Sơn Xanh. Đợt này, các nhóm nghiên cứu công bố về mức đa dạng sinh học của 6 khu bảo tồn của 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, riêng Quảng Nam có 2 khu bảo tồn là Khu bảo tồn Sao La và Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh.
Các báo cáo về sự đa dạng sinh học của 2 khu bảo tồn ở Quảng Nam được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu đến từ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) sau khi nhóm này khảo sát thực địa 7 ngày tại các khu bảo tồn. Theo kết quả mới nhất, tại khu bảo tồn Sao La hiện có 38 loài thú nhỏ, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như: chồn dơi, sóc đen, sóc bay đen trắng, sóc bay trâu; ngoài ra có 3 loài nằm trong sách đỏ thế giới. Như vậy, so với đánh giá trước đây, số lượng loài được ghi nhận giảm đến 23 loài.
Trong khi đó, tại Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, nhóm nghiên cứu ghi nhận 52 loài thú nhỏ, trong đó có 3 loài nằm trong sách đỏ thế giới như: Chuột chuỗi răng nhỏ, sóc đen và chuột răng to. Ngoài ra, trong đợt khảo sát này, các nhóm nghiên cứu cũng đưa ra đánh giá về hệ chim và các loài lưỡng cư, bò sát.
Nhiều ý kiến tại hội thảo nhận định, sự đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn ở Quảng Nam cũng như tại Thừa Thiên Huế đang đứng trước nguy cơ đe dọa nghiêm trọng từ hoạt động săn bắn trái phép, tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép của con người và biến đổi khí hậu...Vì vậy ngoài việc thiết lập các vành đai bảo vệ nghiêm ngặt thì chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân, huy động lực lượng này trong nhiệm vụ bảo vệ sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn.