TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Huế đưa vào sử dụng tuyến đường đi bộ dọc sông Hương từ 15/9

TTXVNCập nhật 07:30 ngày 23/08/2018

Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, thành phố Huế đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để đưa vào sử dụng từ 15/9.

Tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, thành phố Huế thuộc dự án "Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm" có tổng kinh phí 52,9 tỷ đồng (trong tổng số 6 triệu USD do chính phủ Hàn Quốc, thông qua tổ chức KOICA tài trợ không hoàn lại cho thành phố Huế).

Tuyến đường do Viện nghiên cứu Han-A và Công ty Kỹ thuật Dohwa của Hàn Quốc nghiên cứu tư vấn; Công ty cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên-Huế làm nhà thầu thi công xây lắp.

Được triển khai từ tháng 2/2018, công trình đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để đưa vào sử dụng từ 15/9.

Tuyến đường của dự án gồm các hạng mục như cầu đi bộ, sàn lát gỗ lim; bến thuyền; sân khấu biểu diễn ngoài trời; hệ thống giao thông, đường đi bộ dọc bờ sông nối từ khu vực cầu Phú Xuân đến nhà hàng Festival.

Hệ thống chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ khác nhằm kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng, thành phố Huế, phục vụ khách du lịch vui chơi, ngắm cảnh.

Hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bêtông ly tâm D400, mặt sàn được lát gỗ lim (loại gỗ có quota nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi), với tổng diện tích lát gỗ lim 2.438m2; với tổng chi phí gỗ lim dùng lát sàn cho cầu đi bộ là 5,14 tỷ đồng, bao gồm phần gỗ lim thành phẩm được xử lý và gia công, lắp dựng.

Hiện đội ngũ công nhân tiến hành lắp đặt hệ thống gỗ. Tuy nhiên, ở dọc tuyến đã thi công, các thanh gỗ xuất hiện những vết nứt nhỏ và các vết rạn dọc các thớ gỗ, một số thanh vết nứt khá lớn tạo thành các khe hở dọc các thanh gỗ.

Trước những hiện tượng này, ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên-Huế, lý giải các thanh gỗ xuất hiện các vết nứt đều được đánh dấu sao, nếu là các thanh có vết nứt lớn sẽ được thay thế trong quá trình hoàn thiện dự án.

Việc rạn nứt chân chim dọc theo thân gỗ cũng có thể một phần do yếu tố thời tiết, gỗ đang ở nhiệt độ bình thường nếu đưa ra bên ngoài sẽ xuất hiện hiện tượng co ngót.

Gỗ tự nhiên được tạo hình từ các thớ gỗ đan vào nhau nằm dọc thân, nên khả năng chịu lực trên cùng một mặt phẳng không đồng đều.

Tại vị trí giữa hai thớ sức chịu lực giảm, khi tiếp xúc với ánh nắng nhiều sẽ xảy ra xuất hiện co ngót, dẫn đến những vết rạn trên bề mặt.

Đây là thuộc tính tự nhiên, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực; nếu vết nứt trong khoảng 1mm thì không sao, các thanh gỗ có vết nứt lớn hơn sẽ được thay thế để đảm bảo tính thẩm mỹ của công trình.

Những con đường gây bức xúc giữa lòng Đà Nẵng

VTV.vn - Hơn 7 năm qua, người dân ở một con đường tại TP Đà Nẵng phải sống chung với cảnh mưa lầy nắng bụi, những ổ voi ổ trâu và nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.