Khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nơi có hệ thống sông, suối lớn với trữ lượng cát, sỏi dồi dào nên hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra cả ngày lẫn đêm, từ có phép đến không phép. Mặc dù Nghị định 23 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đã quy định thời gian được phép hoạt động khai thác cát sỏi, lòng sông trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm. Thế nhưng, siêu lợi nhuận, thiếu cơ chế giám sát, quản lý nên tại nhiều địa phương, tình trạng khai thác sai quy định vẫn diễn ra hàng ngày
Nhiều ý kiến cho rằng, để ổn định và giải quyết được nạn khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản trên lòng sông, yêu cầu đặt ra là phải phát hiện, bắt giữ và xử lý hình sự, truy tố được các đối tượng mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Thực tế, việc phát hiện, xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác cát, sỏi lòng sông còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép không hề sợ bị xử phạt là theo Luật Bảo vệ môi trường, khai thác cát, sỏi lòng sông mà không có giấy phép chỉ bị phạt từ 100 triệu đến 150 triệu đồng khi bị phát hiện vi phạm khai thác quá từ 50 m3 trở lên. Trong khi đó, lợi nhuận có được từ việc khai thác trái phép lại có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi ngày.
Lãi hàng tỷ đồng mà bị phạt có 150 triệu đồng (mức cao nhất) thì tất nhiên, cát tặc vẫn lộng hành dai dẳng là điều dễ hiểu. Và tình trạng khai thác tài nguyên ở các con sông trên địa bàn Miền Trung - Tây Nguyên diễn ra ồ ạt trong nhiều năm qua đang dẫn đến những hệ lụy đáng lo ngại. Những lòng sông nếu chậm được "giải cứu", cái giá phải trả sẽ là rất lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!