Những điểm yếu trong chính sách, quy hoạch và quản lý du lịch sinh thái bền vững của Việt Nam đã được nhìn nhận, cùng với đó các giải pháp về kinh tế, tài chính đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học cũng được gợi mở từ các đại biểu dự hội thảo này.
Chỉ chiếm gần 1% diện tích toàn cầu nhưng sở hữu tới 10% số loài của thế giới, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú ở Việt Nam là tiềm năng dồi dào để phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển quá nóng đã làm gia tăng áp lực, gây suy giảm đa dạng sinh học, thu hẹp sinh cảnh, ô nhiễm môi trường…Câu chuyện xây dựng biệt thự, khách sạn ở bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng là một dẫn chứng được đưa ra tại hội thảo "Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch bền vững". Những nhà môi trường học cho rằng muốn bảo vệ hơn 1 ngàn loài thực vật và 300 loài động vật ở Sơn Trà thì không thể tiếp tục xây dựng thêm hạ tầng du lịch ở khu dự trữ sinh quyển này.
Việt Nam sở hữu đa dạng sinh học phong phú nhưng chưa đánh giá được đúng giá trị, các mối đe dọa, khả năng chịu tải của chúng nên phương thức phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên chưa hợp lý; không phát huy được lợi thế và chưa có đóng góp trở lại cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.
Nhu cầu quản lý một cách bền vững các khu vực ưu tiên bảo tồn và tăng cường tài chính để bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta là hết sức cần thiết. Từ thực tế đó, ngân hàng Thế giới phối hợp với Chính phủ Việt Nam đã xây dựng một dự án mới về "Bảo tồn dịch vụ hệ sinh thái và lồng ghép mục tiêu bảo tồn trong phát triển du lịch ở Việt Nam" trong khuôn khổ hoạt động và tài trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, dự kiến kinh phí tài trợ là từ 8-10 triệu USD.