Theo thống kê sơ bộ, năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh thành duyên hải miền Trung đều ở trên mức trung bình của cả nước. Trong đó, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế ghi nhận mức tăng trưởng cao tại khu vực này.
Dấu ấn đầu tiên của khu vực duyên hải miền Trung là 3,5 tỷ USD thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2017. Con số này tăng đột biến, gấp 5 lần so với năm 2016. Khánh Hòa là tỉnh dẫn đầu miền Trung và cả nước nhờ dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện vào Khu kinh tế Bắc Vân Phong. Thứ hai là Quảng Ngãi và thứ ba là Quảng Nam. Bên cạnh đó, việc hàng loạt diễn đàn xúc tiến đầu tư được tổ chức riêng lẻ, hay tổ chức chung cho một cụm tỉnh thành như Nam Trung bộ hay cho 3 tỉnh Bắc miền Trung - được coi là dấu ấn đậm nét trong năm qua với kỳ vọng về những định hướng và giải pháp, chủ yếu liên quan đến rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.
Một dấu ấn khác được coi là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" là sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC, với 121 thỏa thuận với giá trị hơn 20 tỷ USD đã được ký kết. Không chỉ là những con số kinh tế mà chỉ riêng sự kiện APEC được tổ chức thành công tại Đà Nẵng đã trao cho chính địa phương này và các tỉnh miền Trung một đòn bẩy để phát triển.
Nhưng dấu ấn không phải và không chỉ nằm ở những con số, mà theo các nhà nghiên cứu, điểm đặc biệt của năm 2017 được ghi nhận là các địa phương Bắc miền Trung đã phục hồi được kinh tế sau sự cố môi trường biển, tính liên kết trong một số lĩnh vực đã bắt đầu rõ ràng hơn và nhất là Đà Nẵng đã cùng với cả nước đưa sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC thành công ngoài mong đợi. Vấn đề còn lại là năm 2018 và những năm tiếp theo, khu vực này sẽ bứt phá thế nào với những dấu ấn nền tảng của năm 2017.