Ghi nhận tại HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Kô huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Với mục tiêu sản xuất cà phê sạch, HTX đã chọn hướng sản xuất xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ trong nhiều năm qua. Đến nay sản phẩm cà phê xuất khẩu của HTX đã đạt chứng nhận Fair Trade, chứng nhận công bằng mậu dịch được sử dụng trên 50 quốc gia. Với định hướng phát triển bền vững, giai đoạn 2020 – 2025, hợp tác xã chuyển đổi dần từ sản xuất cà phê sạch sang chế biến cà phê 100% hữu cơ.
Không chỉ cà phê, nhiều mô hình sản xuất hữu cơ của các HTX khác cũng đã hình thành trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Như HTX Đoàn Kết ở xã Mo Rai, huyện Sa Thầy với hơn 10 ha cây ăn quả trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, sử dụng phân chuồng và chế phẩm sinh học để chăm sóc cây. Hay mô hình rau sạch của HTX Rau hoa và Du lịch Thanh Niên tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được trồng hữu cơ kết hợp với ứng dụng công nghệ cao...
Tỉnh Kon Tum hiện đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Như quỹ đất để quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung chưa khai thác hết, nguồn nguyên liệu như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú... Là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển nông nghiệp bền vững. Đây cũng là bước đệm để tỉnh Kon Tum sớm trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của khu vực Tây Nguyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!