Bên cạnh nông sản sạch, hai năm gần đây, người tiêu dùng được nghe đến cụm từ "nông sản hữu cơ" hay nông sản Organic. Có thể khẳng định, nông sản hữu cơ là an toàn vì được sản xuất theo lối canh tác bền vững, thân thiện với môi trường. Vậy nhưng, số doanh nghiệp cũng như diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa nhiều. Người tiêu dùng liệu đã hiểu đúng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng như có hay không sự trà trộn trong kinh doanh sản phẩm. Đó là những băn khoăn hiện nay khi nói về nông nghiệp hữu cơ.
Không chỉ có rau hữu cơ, nhiều nơi còn quảng cáo bán cả thịt, cá, gà, tôm hữu cơ với giá cao gấp 2-3 lần bình thường. Tuy nhiên theo thông tin trên bao bì thì những sản phẩm này chỉ mới đạt chứng nhận E.M, tức chăn nuôi theo công nghệ vi sinh của Nhật Bản. Và đây không phải tiêu chuẩn hữu cơ được công nhận tại nước ta. Điều đáng nói, ngay cả thịt không tên tuổi, không nguồn gốc cũng được người bán khẳng định đạt chuẩn hữu cơ 100%. Thực trạng này cho thấy nông sản hữu cơ "tự phong" này vừa móc túi vừa gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.
Có thể thấy những năm gần đây, khi vấn nạn thực phẩm bẩn ở mức báo động, người tiêu dùng ngày càng quan tâm những sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ để bảo vệ sức khỏe. Giá nông sản hữu cơ có giá cao gấp 2-3 lần so với nông sản cùng loại là có cái lý của nó. Tuy nhiên, phải chăng với giá bán này, doanh nghiệp, đơn vị tham gia sản xuất đều thuận lợi trong tiêu thụ. Thực tế cho thấy: ở một số nơi, do cung không đủ cầu nên dẫn đến tình trạng giả mạo; nhưng cũng có nơi, nông sản hữu cơ phải nhổ bỏ đi vì không thể tiêu thụ được. Một trong nhiều nguyên nhân là người dân chưa biết nhiều và hiểu sâu về nông sản hữu cơ.
Không đánh đồng sản phẩm thông thường với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nói cách khác, chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần được công bố bằng những tiêu chí rõ ràng, để khi đến tay người tiêu dùng, họ có thể biết được rằng sử dụng sản phẩm hữu cơ đích thực. Nhiều ý kiến cho rằng, để người tiêu dùng chấp nhận giá cao cần có sự trợ giá trong thời gian nhất định. Và như thế mới tác động ngược trở lại đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Một khi người tiêu dùng biết đến nông sản hữu cơ nhiều hơn, lượng nông sản hữu cơ tiêu thụ sẽ ngày một nhiều hơn chứ không chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn hiện nay, chỉ hơn 10% nông sản của cả nước. Và khi đó, bài toán khuyến khích nhiều các doanh nghiệp tham gia canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ được giải quyết, tất nhiên là bên cạnh với các giải pháp khác.
Trong khi chờ đợi những cơ chế quản lý và chế tài từ Nhà nước để bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, quyền lợi người tiêu dùng, mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông minh.