Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu gần 9 triệu mét khối gỗ, nhưng giá gỗ nhập khẩu cũng đang tăng "nóng" và vấp phải nhiều khó khăn - nhất là với gỗ nhập từ EU - khi các nước Châu Âu giảm xuất khẩu, giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp phần cung thiếu hụt từ Nga, do xung đột Nga - Ukraina chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt".
Hiện nay 70% nguồn gỗ trong nước có kích thước nhỏ, sử dụng để sản xuất các sản phẩm như dăm gỗ, các loại ván nhân tạo, theo các chuyên gia Việt Nam cần đưa ra chiến lược phát triển nguồn gỗ trong nước theo hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn, đa dạng về loài và có chất lượng cao trong tương lai, tuy nhiên thực tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều chuyên gia cho rằng trồng rừng có chu kỳ kinh doanh dài, cần có vốn để đầu tư kéo dài, trong khi việc vay vốn từ các ngân hàng thủ tục còn khó khăn, thời gian cho vay ngắn, nên các doanh nghiệp và hộ gia đình chưa tiếp cận được nguồn vay vốn. Bên cạnh đó Quỹ đất quy hoạch để trồng rừng sản xuất hạn chế, manh mún không tập trung. Đây là những vấn đề cần được giải quyết để có thể phát triển vùng nguyên liệu bền vững, từ đó hiện thực hóa mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!