Theo một nghiên cứu năm 2022 của một ứng dụng quản lý dành cho phụ huynh, người dùng dưới 18 tuổi đã dành trung bình 1 giờ 47 phút mỗi ngày để sử dụng TikTok. Đó là một con số cho thấy mức độ tiếp cận, sử dụng của giới trẻ dành cho ứng dụng này. Đi cùng với những nội dung thông tin, giải trí hay học hỏi, điều đó cũng cho thấy những nguy cơ mà giới trẻ có thể gặp phải khi lạm dụng ứng dụng Tiktok.
TikTok hiện có mặt ở hơn 150 quốc gia, có hơn 1 tỷ người dùng và đã được tải xuống hơn 200 triệu lần chỉ riêng ở Mỹ. Phần lớn người sử dụng là thế hệ gen Z (những người sinh 1997 đến năm 2012). Là mạng xã hội phát triển nhanh hàng đầu thế giới nhưng TikTok đang vấp phải làn sóng bị tẩy chay trên khắp thế giới. Mặc dù TikTok nhiều lần khẳng định không làm lộ dữ liệu người dùng nhưng nhiều quốc gia và tổ chức vẫn ban hành lệnh cấm đối với ứng dụng này trên các thiết bị công.
Tính đến nay, hàng chục quốc gia và liên minh các quốc gia đã quay lưng với Tiktok. Liệu làn sóng tẩy chay TikTok sẽ đi đến đâu? Trong tương lai, TikTok sẽ trở thành nền tảng mạng xã hội số một thế giới hay lụi tàn dần. Đến nay, đây vẫn là một ẩn số. Song cho đến hiện tại, giới trẻ toàn cầu, trong đó có Việt Nam vẫn đang rầm rộ với ứng dụng này.
Theo số liệu từ ICT - Chuyên trang thông tin công nghệ thông tin và truyền thông: Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng đang sử dụng ứng dụng TikTok tăng từ 34% (năm 2020), lên 62% (năm 2022), với thời lượng sử dụng tăng gấp đôi từ 4% đến 8%. Người dùng TikTok tập trung cao ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi. Một thống kê khác cũng chỉ ra rằng, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này. Việc tìm ra phương thức cân bằng giữa mặt tích cực và tiêu cực trong việc sử dụng Tiktok ở giới trẻ là vấn đề đặt ra cho xã hội hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!