Bạt núi làm đường ồ ạt, phá rừng trồng keo trên diện rộng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở ở miền núi càng diễn tiến phức tạp. Đến mùa thu hoạch keo, những con đường lâm sinh dùng để vận chuyển keo này trở thành dòng nước hung dữ. Đất trống đồi trọc, chỉ vài đợt mưa lớn, hàng ngàn héc ta đất từ những quả đồi này sẽ tràn xuống đường. Nhận diện được mối nguy hiểm nhưng chính quyền các huyện miền núi dường như bất lực.
Mùa mưa, ngoài các tuyến quốc lộ 14G, 40B, 14E thường bị chia cắt, gần 200 km đường Hồ Chí Minh là cung đường sạt lở nguy hiểm. Trước mùa mưa, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các huyện miền núi xây dựng các kịch bản ứng phó với sạt lở tại chỗ. Hiện nay, các địa phương đã chủ động các phương án nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất gây ra.
Với tập quán dựng nhà ở sườn núi cao, năm nào cũng vậy, vào mùa mưa, nhiều ngôi làng tại huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam bị vùi lấp. Chính quyền địa phương đã xây dựng bản đồ sạt lở ở miền núi nhưng trước diễn biến khó lường của thời tiết, nguy cơ sạt lở tại miền núi vẫn là nỗi lo canh cánh của nhiều người khi mùa mưa lũ lại về.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!