TP Đà Nẵng là 1 đô thị lớn ở miền Trung, không có nhiều đất nông nghiệp so với các địa phương khác song nhiều năm qua, cũng đã chú trọng tạo sự đột phá về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn. Tuy nhiên; trong quá trình kêu gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – địa phương này đã gặp không ít trở ngại về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai.
Khi bắt tay vào triển khai từng mô hình, Quảng Nam cũng gặp không ít khó khăn trong việc huy động quỹ đất, kêu gọi đầu tư; tiếp cận vốn; giống cây trồng; ngay cả việc liên kết giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân vẫn còn yếu và thiếu bền vững.
Ứng dụng công nghệ cao và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, do thói quen canh tác nông hộ nên khi phát triển theo hướng công nghệ cao, các địa phương chưa tạo được sự liên kết.
Thị trường nông sản thiếu ổn định, rủi ro cao; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và yếu nên nhiều hộ nông dân, đặc biệt doanh nghiệp ở miền Trung chưa thực sự "mặn mà" trong việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ.
Đây chính là lực cản lớn nhất khiến cho miền Trung khó giải được "bài toán" thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mặc dù đây là hướng phát triển nông nghiệp một cách bền vững.