Vào thời điểm đó, hàng chục triệu lít chất độc màu da cam có chứa chất độc dioxin đã được rải xuống mảnh đất Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng cho thiên nhiên và con người, hậu quả của nó vẫn còn rất nghiêm trọng, kéo dài dai dẳng cho đến ngày nay.
Monsanto là một trong những nhà cung cấp chính chất độc da cam cho không quân Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong vòng 10 năm từ năm 1961 - 1971, hơn 70 triệu lít thuốc diệt cỏ, trong đó có hơn 40 triệu lít chất độc màu da cam/dioxin, đã được rải xuống miền Nam Việt Nam.
Chất độc dioxin là loại chất diệt cỏ được xếp vào hàng những chất nguy hiểm nhất thế giới không chỉ bởi mối hiểm họa chết người mà nó còn để lại những di chứng cho nhiều đời sau. Ở Việt Nam, có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc này, trong đó có 3 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cái gọi là "mưa màu da cam", hàng trăm nghìn người đã chết, nhiều nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.
Khu vực sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong ba điểm nóng về ô nhiễm chất độc hóa học màu da cam/dioxin tại Việt Nam. Trước kia, những nơi này được quân đội Mỹ sử dụng làm kho chứa, nơi nạp chất diệt cỏ vào máy bay trước khi đi phun rải, rửa máy bay sau khi đi phun rải về và là địa điểm chứa các vỏ thùng đựng chất diệt cỏ sau khi đã nạp vào phương tiện phun rải.
Trong những năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác để triển khai dự án Xử lý đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng với mục tiêu xử lý triệt để dioxin để loại bỏ nguy cơ gây hại đến môi trường và con người tại khu vực sân bay Đà Nẵng. Gần 100 triệu USD đã được chi ra cho dự án xử lý ô nhiễm môi trường do dioxin tại đây, hiện vẫn còn hàng chục nghìn m3 đất nhiễm dioxin vẫn đang tiếp tục được xử lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!