Sâm Ngọc Linh được phân bố chủ yếu ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Tu Mơ Rông, Đaklei (Kon Tum). Thời điểm này, ở độ cao 1800m của núi Ngọc linh, những bông sâm Ngọc Linh đang khoe những chùm hạt giống quý. Hạt giống sâm Ngọc Linh năm nay được mùa, trung bình chùm hạt trên bông sâm có số lượng từ 60-80 hạt, hạt chín có màu đỏ tươi, hạt vàng ươm có thể thu hoạch được, riêng những hạt chưa chín kịp có màu xanh thường được người dân để lại thêm vài ngày nữa.
Bước vào thời kỳ ngủ đông, từ đầu mầm cây sâm Ngọc Linh sẽ rụng đi thân và lá, để lại một vết sẹo (mắt sâm). Cho đến mùa xuân năm sau lên một đầu mầm mới, người ta dựa vào cơ sở này để tính độ tuổi của sâm Ngọc Linh, càng nhiều mắt sâm thì càng nhiều năm tuổi.
Trung tâm Ứng dụng thông tin Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ cung cấp chế phẩm cho bà con để làm phân vi sinh chăm sóc cây sâm. Trong thời gian tới, Trung tâm cũng có đề xuất với tỉnh xây dựng đề tài, đi sâu nghiên cứu từ khi xử lý hạt giống, gieo ươm, chăm sóc, thu hoạch và phân tích hàm lượng hoạt chất của cây sâm được chăm sóc bằng phân vi sinh. Tuy nhiên, làm sao để nâng năng suất cây trồng, chống bệnh cho cây sâm và không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của vùng sâm - là việc mà những người làm công tác khoa học và người dân cần phối hợp tốt hơn trong thời gian đến.