Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Trong đó đáng chú ý là tiêu chí tuyển sinh nhóm ngành sư phạm có nhiều thay đổi nhất so với năm 2017 nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của ngành học này.
Theo dự thảo, trong năm 2018 chỉ quy định điểm sàn với ngành sư phạm. Đối với trường hợp xét học bạ vào đại học sư phạm, thí sinh phải đạt học lực giỏi mới được tham gia xét tuyển. Còn với học sinh trường chuyên thay vì phải đạt giải quốc gia và quốc tế như những năm trước thì năm nay các em học sinh đạt giải cấp tỉnh vẫn được xét tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm.
Một điểm đáng chú ý trong những thay đổi tuyển sinh của nhóm ngành sư phạm là vấn đề "Xét học bạ vào Đại học sư phạm: Thí sinh phải đạt học lực giỏi", tuy nhiên liệu những em có học lực giỏi có lựa chọn đi theo con đường sư phạm, khi vấn đề mà các thí sinh quan tâm hiện nay, đó là nộp hồ sơ xét tuyển vào những trường đào tạo các ngành nghề có cơ hội việc làm lớn sau khi ra trường.
Theo thống kê do Bộ GD&ĐT công bố năm 2017, cả nước thừa 26.700 giáo viên. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm. Trong khi đó, năm 2017, các trường đào tạo giáo viên bao gồm cả trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển mới hơn 55.600 chỉ tiêu.
Để thu hút nhiều thí sinh nói chung và thí sinh giỏi nói riêng dự tuyển vào các trường đào tạo sư phạm, ngành giáo dục không chỉ dừng lại ở việc đổi mới Quy chế tuyển sinh, miễn học phí… mà phải để cho thí sinh thấy được tương lai việc làm sau khi tốt nghiệp; tính cạnh tranh, lương bổng và các chế độ, chính sách khác khi các em theo nghề sư phạm.