Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2024, cả nước có khoảng 17,4 triệu người tham gia BHXH. Trong đó, số lao động tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,45 triệu người. Dù có tăng, nhưng số lao động tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất khiêm tốn, nhất là ở khu vực miền núi có nơi bị giảm. Ví dụ như tỉnh Kon Tum, tính đến giữa tháng 7/2024, toàn tỉnh có gần 17.800 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm 233 người so với cuối năm 2023. Vì vậy, công tác tuyên truyền vẫn được thực hiện kiên trì, thường xuyên ở những vùng khó khăn nhất.
Tính đến giữa tháng 7/2024, Kon Tum đạt tỉ lệ 5,6% số người trong độ tuổi lao động tham gia Bảo hiểm tự nguyện. Đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, công việc và thu nhập của lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) không ổn định là những nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện ở vùng DTTS và miền núi còn thấp. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến an sinh xã hội cho một bộ phận không nhỏ lao động là người DTTS, tác động đến việc bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Với chính sách BHXH tự nguyện hiện hành, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ hộ nghèo 30%, cận nghèo 25%, và đối tượng khác là 10% mức đóng (tính theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn). Tuy nhiên, bảo hiểm tự nguyện là chính sách lâu dài, đời sống người dân ở miền núi cũng cần thời gian dài mới có thể bứt phá đi lên và thay đổi nhận thức. Vì vậy, tính bền vững của việc phát triển BHXH tự nguyện ở vùng đồng bào DTTS sẽ là một khó khăn thách thức đối với ngành bảo hiểm xã hội.
Trước đây, chính sách BHXH tự nguyện chưa thu hút được sự quan tâm của người dân vì thời gian tham gia dài, chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất, chưa có thêm được chế độ ốm đau, thai sản. Nhưng hiện nay, Luật BHXH sửa đổi mới được Quốc hội thông qua đã có nhiều điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Luật BHXH mới có hiệu lực ngày 1/7/2025 về cơ bản đã bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích cho lao động; nhất là những quy định liên quan đến việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện ở địa bàn khó khăn, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục đề xuất xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ lao động là người DTTS.
Sự thiếu bền vững đang tập trung ở khu vực miền núi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hoặc khu vực có tỷ lệ người nghèo, hộ cận nghèo cao. Cho nên, dù đã tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, nhưng khi đến thời điểm đóng bảo hiểm, người dân gặp khó khăn về tài chính, hoặc bị tác động bởi những tư tưởng bên ngoài về việc thụ hưởng chính sách, họ sẵn sàng hủy bỏ quá trình và không tiếp tục tham gia...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!