Mộc bản Phật giáo Huế là di sản tư liệu có giá trị, không chỉ riêng đối với Phật giáo mà còn là một phần không tách rời trong dòng chảy văn hóa của dân tộc. Hầu hết những mộc bản Phật giáo, đang được lưu giữ tại các ngôi chùa nổi tiếng của Huế như Thiên Mụ, Từ Hiếu, Bảo Lâm.
Trong 5 bộ Mộc bản Kinh Phật được thể hiện bằng chữ Hán Nôm này, Mục Ngưu Đồ là bộ mộc bản vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn về số lượng bản khắc, là một bộ tranh tiêu biểu, có tính nhân văn trong đời sống tâm linh của người Việt, mà ở đó chúng ta có thể hiểu trọn vẹn hơn bản sắc văn hóa của một gia tộc tri thức truyền thống của xứ Huế.
Mục Ngưu Đồ là bộ tranh chăn trâu, đây là bộ mộc bản hàm chứa tinh hoa giáo lý Phật giáo - đó là quá trình hành đạo của con người nhằm đạt đến sự giác ngộ, được thể hiện qua 10 bức tranh giản dị và gần gũi. Con trâu trong Mục Ngưu Đồ là biểu tượng cho bản ngã của con người, nhằm minh họa cho một quá trình tu Phật từ thấp đến cao. Và trên mỗi bức tranh lại đi kèm với một bài thơ tứ tuyệt nhằm giải nghĩa cho tiến trình 10 bước được biểu hiện bằng tranh, đó là: tìm trâu, thấy dấu, thấy trâu, bắt được trâu, chăn trâu…
Không dừng lại ở ý nghĩa Phật giáo thuần túy, Mộc bản Kinh Phật này còn là một kho tàng di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc. Bởi từ quá trình in dập, chúng ta còn tìm thấy những giá trị mỹ thuật, thư pháp, thủ công mỹ nghệ cao, giá trị sử liệu qua các thời kỳ lịch sử, từ chính bộ Mộc bản Mục Ngưu Đồ.