Hiện nay, nhiều sản phẩm sâm Ngọc Linh được giới thiệu, chào bán trên thị trường bao gồm cả hình thức truyền thống và mạng xã hội là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng, không phải là sâm được trồng trên đỉnh Ngọc Linh. Những câu chuyện thật giả lẫn lộn, tiền mất tật mang với giá trị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cũng từ đây mà ra.
Sâm Ngọc Linh hiện phân bổ nhiều nhất ở vùng núi đặc hữu của huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Được trồng sâu trong những cánh rừng tự nhiên, Sâm Ngọc Linh không nhiều người được tiếp cận. Chính vì quý hiếm cộng với thông tin nhận diện không phải ai cũng nắm được nên thời gian qua, đã xảy ra tình trạng các đối tượng lợi dụng, thậm chí gắn mác sâm Ngọc Linh Kon Tum cho những loại củ có hình dạng gần giống nhưng không phải sâm Ngọc Linh nhằm mục đích trục lợi.
Không chỉ được rao bán tràn lan trên các mạng xã hội với giá rẻ đến bất ngờ, liên tục trong vài năm trở lại đây nhiều đơn vị, cửa hàng chuyên bán sâm và các sản phẩm gắn mác "Sâm Ngọc Linh" mọc lên nhan nhản. Để thuyết phục khách hàng, các cửa hàng này trưng bày hàng loạt hình ảnh vườn sâm được trồng bài bản từ các công ty được tỉnh Kon Tum cấp phép trồng sâm tại núi Ngọc Linh. Điều này đã gây bức xúc cho người trồng sâm.
Có lẽ quảng cáo việc liên kết trồng hay mua sâm trồng của người dân chưa đủ thuyết phục người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp còn thổi phồng diện tích trồng sâm. Cuối năm 2022, dư luận trên địa bàn tỉnh Kon Tum xôn xao về thông tin một tập đoàn nghiên cứu y tế- dược liệu tuyên bố "sở hữu hơn 7.000 ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh" và "đã có hơn 600 ha sâm Ngọc Linh trồng hoàn toàn tự nhiên" chỉ sau vài tháng thành lập.
Tinh vi hơn, để hợp thức hoá những sản phẩm gắn mác sâm Ngọc Linh, một số đơn vị còn đề nghị Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ với số lượng cực lớn. Nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn mác sâm Ngọc Linh như: mặt nạ, kem dưỡng da, kem chống nắng, rượu sâm Ngọc Linh... nhưng lại không truy xuất được nguồn gốc. Việc này đặt cho dư luận nghi vấn về nguồn gốc số lượng sâm củ để sản xuất ra các thành phẩm lưu hành trên thị trường có trồng ở vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh hay từ một nơi nào khác?
Bảo vệ thương hiệu cho Sâm Ngọc Linh, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và người trực tiếp trồng sâm cần đến vai trò của nhà nước. Tại tỉnh Kon Tum, Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học - Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã đưa vào vận hành hệ thống máy phân tích sâm. Đây là bước tiến lớn trong việc kiểm định sâm Ngọc Linh thật, giả, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh tại Kon Tum.
Khi giá trị sâm Ngọc Linh ngày một tăng, tình trạng mua bán sâm giống Ngọc Linh tràn lan, không kiểm soát được khiến người tiêu dùng không biết lựa chọn cho mình sản phẩm nào tốt nhất. Cá biệt, một số người bán còn cung cấp giấy chứng nhận các loại sâm bán được kiểm nghiệm có hoạt chất saponin. Trong khi đó, việc kiểm định sâm Ngọc Linh tại Kon Tum lại chủ yếu bằng kinh nghiệm, vừa không khoa học, không đảm bảo tính pháp lý.
Trước thực trạng thật giả lẫn lộn, hệ thống máy phân tích sâm sẽ là cơ sở để kiểm định, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Với hệ thống kiểm định DNA và hệ thống thiết bị kiểm định, phân tích saponin - một thành phần đặc trưng của sâm Ngọc Linh, thiết bị này sẽ cho ra kết quả chính xác nhất, xác định hàm lượng có bao nhiêu phần trăm và có những thành phần hoạt chất nào trong mẫu kiểm nghiệm.
Toàn tỉnh Kon Tum hiện trồng hơn 1.800 ha sâm Ngọc Linh ở hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Thời gian qua, một số doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh để trục lợi. Một số loại sâm có xuất xứ từ Trung Quốc có hình thức rất giống sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng rất khó phân biệt. Việc đưa hệ thống thiết bị trên vào hoạt động góp phần giải quyết được vấn đề này.
Rõ ràng việc tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, đặc biệt là đối với loại dược liệu đặc hữu sâm Ngọc Linh có hiệu quả cao hơn. Đây cũng là những bước đi, giải pháp quan trọng để chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đi vào thực tiễn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!