Trước tình hình thị trường bất động sản có xu hướng chững lại. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01 yêu cầu các Ngân hàng thương mại kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản. Thực hiện chỉ đạo đó, hiện nay, các Ngân hàng đã thực hiện tăng lãi suất cho vay, giảm bớt các điều kiện ưu đãi cho vay bất động sản để góp phần thanh lọc và giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng các ngân hàng tính đến hết tháng 7/2018 ước đạt khoảng 8%, vẫn còn thấp xa so với mục tiêu cả năm là 17% nhưng các nhà điều hành kinh tế cho rằng, việc giữ mức tăng chậm như hiện nay là hợp lý để quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tín dụng và chất lượng quản lý rủi ro tín dụng, cụ thể là trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Ghi nhận từ các ngân hàng ở Đà Nẵng cho thấy, hiện các khoản vay đã được siết chặt đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cá nhân, chỉ ưu tiên cá nhân vay tín dụng mua nhà để ở.
Không chỉ khách hàng cá nhân mà cả chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Đà Nẵng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, khi mặt bằng lãi suất cho vay đã tăng 1-2% trong lĩnh vực này. Trước động thái tăng lãi suất, siết ưu đãi để hạn chế tín dụng vào bất động sản của các ngân hàng, Đà Nẵng lại xuất hiện làn sóng "thoái bớt vốn vay" khỏi các ngân hàng. Trước mắt, hoạt động này xảy ra nhiều ở nhóm khách thuộc phân khúc đầu tư.
Cùng với tăng lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước còn triển khai giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn; tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản. Điều này cũng đồng nghĩa với nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ bị hạn chế dần. Đây chính là giải pháp giảm bớt rủi ro cho tất cả các bên tham gia thị trường, bởi nếu dùng đòn bẩy tài chính nhiều thì khi dự án, hoặc thị trường có biến động tiêu cực sẽ khó tránh khỏi khủng hoảng.