Những lồng bè nuôi thủy sản trị giá tiền tỷ. Với những gia đình ven biển, đây là cả cuộc sống. Ai cũng cố giữ. Và rủi ro đã xảy ra đối với nhiều lao động trên lồng bè khi chưa kịp vào bờ. Một năm sau bão. Những rủi ro trong trong mưa bão vẫn chực chờ đối với người nuôi thủy sản. Cũng cần nói thêm, lao động trên lồng bè, nhiều trường hợp là người từ nơi khác đến đây làm thuê.
Bao nhiêu hộ gia đình nuôi tôm hùm? Lồng bè của mỗi hộ nằm ở vị trí nào? Câu trả lời đã có sau khi thống kê. Đây chính là cơ sở quan trọng để khi xảy ra thiên tai, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kịp thời triển khai phương án đưa những lao động trên lồng bè vào bờ an toàn.
Hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đứng đầu khu vực Nam Trung bộ về nuôi thủy sản trên biển, tương ứng với hàng ngàn lao động trên lồng bè. Thời gian này, trong công tác ứng phó thiên tai, các địa phương ven biển tập trung hàng đầu là tuyên truyền về mức độ nguy hiểm nếu lao động ở trên lồng bè khi bão ập vào. Ngăn ngừa rủi ro đối với lao động trên lồng bè thủy sản mùa mưa bão là chuyện không đơn giản, nhưng hoàn toàn có thể làm được.
Mấu chốt ở đây là chính quyền địa phương nắm chắc số lao động trên lồng bè để kịp thời có phương án vận động, thậm chí cưỡng chế buộc các lao động phải vào bờ khi xảy ra thiên tai. Và điều quan trọng hơn, chính những lao động trên lồng bè giữa biển, hơn ai hết hiểu rõ những rủi ro có thể xảy ra, nhanh chóng vào nơi an toàn, để không lặp lại những gì đã từng xảy ra trong các mùa mưa bão trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!