Mức lãi 50 triệu đồng/ ha rừng sau 5-6 năm đầu tư là lý do khiến cho trồng rừng kinh tế mà cụ thể ở đây là trồng keo, trở thành cơn sốt ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Các chuyên gia khuyến cáo: việc trồng rừng kinh tế cần tuân thủ những nguyên tắc để đảm bảo tính bền vững, không gây tổn hại đến môi trường. Thế nhưng, trong thực tế những nguyên tắc đó gần như không được những người làm kinh tế rừng lưu tâm. Chẳng hạn, trước khi trồng, toàn bộ thảm thực vật trên đồi núi bị dọn sạch. Để giảm chi phí, việc trồng hay thu hoạch cũng thực hiện đồng loạt trên diện tích rộng. Chính điều này sẽ gây xáo trộn về môi trường, mất tán rừng, mất khả năng giữ nước, mất khả năng bảo vệ đất, kéo theo hệ lụy khó tránh khỏi trong mùa mưa lũ.
Thực tế trồng rừng kinh tế thời gian qua ở nhiều địa phương ngày càng bộc lộ hạn chế lớn nhất, đó là dù có trồng rừng nhưng lại không phát huy vai trò của rừng trồng khi xảy ra thiên tai. Điều này đòi hỏi, việc trồng rừng kinh tế phải được điều chỉnh theo những cách làm mang tính bền vững.