Không thể thiếu tại những quầy hàng bán bánh kẹo chính là những chiếc cân. Sở dĩ lúc nào cũng cần đến chiếc cân bởi ở các chợ vùng quê, bánh kẹo bán ra tính tiền theo kg. Đa phần các gia đình chọn mua chỗ bánh này một ít, chỗ bánh kia một ít, dồn lại và tính tiền theo khối lượng… Dạng bánh kẹo như thế này khá rẻ. Chỉ 80.000 đồng là mua được một kg bánh cho ngày Tết. Trong khi đó, không phải ai cũng nhận ra rằng, hầu như không có thông tin nào trên mỗi loại bánh kẹo được bày bán tràn lan ở nhiều vùng quê.
Những người bán thì quả quyết rằng: bánh kẹo bán theo kg là được họ chia nhỏ ra từ những hộp, những thùng lớn. Và trên những hộp, những thùng này hoàn toàn có đầy đủ nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Nhưng điều nhập nhằng chính ở chỗ là không ai có thể nhận biết chỗ bánh kẹo này được sang chiết từ đâu.
Một dạng khác trên thị trường bánh kẹo những ngày cận Tết là sự nở rộ loại bánh mứt thủ công. Những năm gần đây, người mua đã dành niềm tin vào loại bánh mứt này. Nhưng theo cơ quan chuyên môn, bánh mứt thủ công được làm trong gia đình dạng nhỏ lẻ cũng không thể không nghi ngờ về mặt vệ sinh. Bánh kẹo sản xuất công nghiệp hay bánh kẹo thủ công, bán ra thị trường theo dạng thức nào thì khuyến cáo từ cơ quan chức năng đối với người tiêu dùng vẫn là cần thận trọng.
Năm nay, sức mua bánh kẹo Tết ở những địa phương như Phú Yên khá chậm. Dự báo đưa ra là sức mua chỉ tăng mạnh những ngày giáp Tết. Khi đó, người bán thì muốn bán cho xong, người mua thì cũng vội mua cho nhanh. Và chắc chắn, càng gần Tết thì chuyện nhập nhằng chất lượng bánh kẹo càng khó kiểm soát.