TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Những góc nhìn về Luật khiếu nại tố cáo

Văn Đức, Văn Phát, Mai Khương (VTV8)Cập nhật 09:15 ngày 24/05/2018

VTV.vn - Tại kỳ họp thứ 5 lần này, Quốc hội khóa 14 sẽ dành phần lớn thời gian cho việc xem xét và thông qua 9 luật và dự thảo nghị quyết, trong đó có Luật Tố cáo sửa đổi.

Đây cũng là 1 trong những dự thảo luật được đông đảo cử tri quan tâm bởi còn có quá nhiều nội dung của luật chưa được thống nhất cao và tình trạng nhiều người dân vẫn còn e ngại trong việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ công chức.

Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi đang được trình Quốc hội cho ý kiến và đã quy định cụ thể về bảo mật thông tin, quy trình giải quyết, cơ chế bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, nhiều cử tri tỏ ra lo lắng luật sẽ khó sớm đi vào cuộc sống bởi việc thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo và thời hiệu bảo vệ người tố cáo vẫn chưa được quy định rõ. Đặc biệt là việc tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo như thế nào cho kịp thời. Điều này cũng dễ hiểu khi lâu nay những hòm thư tiếp nhận thông tin tố cáo như thế này vẫn im ỉm khóa, nhiều đơn thư tố cáo  không có phản hồi.

Trong Luật Tố cáo lần này cũng quy định rõ về nơi tiếp nhận, hình thức tố cáo, kể cả tố cáo nặc danh và quy định về quy trình xử lý, song theo nhiều cử tri, để luật thực thi có hiệu quả, bên cạnh sự tích cực của các cơ quan thực thi pháp luật thì quyền tố cáo của công dân phải được xem trọng.

Việc xây dựng Luật tố cáo sửa đổi thông qua tại kỳ họp lần này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế của các quy định pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trước đây, nhất là khắc phục tình trạng trên thực tiễn có không ít trường hợp cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ buông lỏng kỷ cương, nạn tham nhũng, trù dập còn tràn lan.