Phù hợp với điều kiện khí hậu và được thị trường ưa chuộng, cây táo nhanh chống soán ngôi nhiều loại cây trồng, trở thành cây trồng đặc hữu sau cây nho ở vùng đất Ninh Thuận. Vật dụng dễ thấy tại nhiều vườn trồng táo của Ninh Thuận hiện nay là những chiếc bình chứa chất dẫn dụ là những chế phẩm sinh học. Nông dân gọi đây là những chiếc bẫy sinh học. Bình quân mỗi sào, nông dân đặt khoảng 10 bẫy để bảo vệ vườn táo.
Những năm gần đây, khi ruồi đục quả gây hại quá nhiều trên vườn táo. Mô hình "Bẫy, bả sinh học diệt ruồi đục quả táo" được ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận triển khai nhằm hướng nông dân trồng táo theo hướng canh tác sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất trên vườn táo. Đây cũng là yêu cầu đặt ra nhằm nâng cao độ an toàn của sản phẩm táo đưa ra thị trường, khi mà tỉnh Ninh Thuận đã quy hoạch cây táo là một trong 8 loại cây trồng chính của địa phương này.
Theo tính toán, năng suất những vườn táo sử dụng bẫy sinh học cao hơn khoảng 5 tấn/ha so với sản xuất táo truyền thống. Thu nhập của những vườn táo an toàn cũng cao hơn khoảng 20% so với lối canh tác trước đây. Những thay đổi về nguồn lợi thu được đã thuyết phục nông dân. Nhiều nhà vườn còn biết cách tận dụng các chai lọ để tự làm bẫy sinh học cho vườn táo của mình.