Gần một năm, những người nuôi tôm hùm ở đầm Cù Mông, tỉnh Phú Yên vẫn không thể quên được đợt tôm hùm chết hàng loạt đầu tháng 11 năm ngoái do sốc nước lũ. Hơn 300 hộ gia đình bỗng chốc rơi vào cảnh trắng tay. Nỗi ám ảnh tôm chết kéo dài đến tận lúc này và lan rộng khắp nhiều vùng nuôi tôm, khi người nuôi luôn phập phồng dõi theo thời tiết.
Tại tỉnh Phú Yên, hơn 33.000 lồng nuôi tôm hùm tập trung tại vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông và Vũng Rô. Đây là những nơi kín gió, được xem là an toàn trước thiên tai. Nhưng nếu mưa nhiều, lũ dồn về đầm vịnh thì hiện tượng ngọt hóa nước đầm vịnh là khó tránh khỏi. Và khi đó tôm bị sốc nước lũ. Đây cũng chính là ngọn nguồn gây ra tổn thất vô cùng nặng nề ở những vùng nuôi tôm hùm.
Một con tôm hùm bông nặng 1 kg có giá bán xấp xỉ 2 triệu đồng. Chỉ cần một lồng tôm hùm khoảng 50 con, một khi rủi ro bị sốc nước lũ thì ngay lập tức, người nuôi mất trắng cả 100 triệu đồng. Ai cũng tìm mọi cách để giữ lồng tôm hùm nhưng cái khó là không thể di dời lồng tôm hùm đi nơi khác, do mặt đầm đã chật kín.
Giải pháp gần như duy nhất là hạ thấp lồng nuôi tôm hùm mỗi khi nước lũ đổ về các vùng nuôi. Nhưng liệu những người nuôi tôm có kịp thời xử lý giữa lúc thiên tai hay không? Đó là chưa nói, tầng đáy ở vùng nuôi tôm hùm thời gian gần đây liên tục cảnh báo về mức độ ô nhiễm, hạ thấp lồng nuôi liệu có gặp sự cố do ô nhiễm? Càng ngày mức độ rủi ro của nghề nuôi tôm hùm càng lớn và sinh kế của những người nuôi tôm hùm càng chông chênh.