TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Nông dân bị chèn ép ở vùng trồng xoài có thương hiệu

Tấn Quýnh, Phạm Việt (VTV8)Cập nhật 08:57 ngày 02/07/2018

VTV.vn - Lúc thu hoạch thì giá rớt thê thảm, lúc thu hoạch vừa xong thì giá lại tăng cao và tăng theo từng ngày. Nông dân bị chèn ép trong khâu tiêu thụ là thực tế.

Nhiều nhà vườn ở Cam Lâm, Khánh Hòa đành phải để xoài rụng trong tiếc nuối mà không dám thu hoạch. Vườn xoài nhà ông Lê Minh Đức (xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm) rộng 5.000 m2. Chỉ những cây thực sự nhiều trái, ông mới dám thu hoạch. Cây thưa trái thì bỏ mặc, bởi có thu hoạch thì tiền bán xoài chẳng bù được tiền thuê công hái.

Xoài Canh Nông - giống xoài lâu nay ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) chỉ còn 2.000 đồng/kg, bằng 1/10 giá xoài đầu vụ. Đã vậy, các vựa còn e dè thu mua khiến nhà vườn trồng xoài rơi vào cảnh xoài đã chín mà không thể thu hoạch. Nếu tính chi phí chăm sóc vụ xoài hơn chục triệu đồng mỗi ha thì hầu như người trồng xoài nào ở đây cũng bị lỗ vốn. Điều mà nhiều nhà vườn lên tiếng là họ bị chèn ép trong khâu tiêu thụ.

Điều khó hiểu, giá thu mua mặt hàng xoài lại biến động theo từng ngày. Cứ ngày nào thu hoạch rộ, các vựa đưa giá xuống thấp. Nhà vườn buộc phải chấp nhận vì xoài đã thu hoạch thì không thể không bán ra. Sau khi giá chạm đáy cách đây 10 ngày, đến lúc này, khi nhiều nhà vườn không còn xoài để bán thì các vựa lại nâng giá gấp ba, gấp bốn lần. Đầu ra bị chi phối bởi các vựa là thực tế kéo dài ở vùng xoài Cam Lâm, nơi có gần 4.000 ha xoài.

Nhiều năm trước, ở vùng xoài Cam Lâm, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thu mua đã được đặt ra. Nhưng đến vụ xoài này mới chỉ có 2 doanh nghiệp liên kết với các nhà vườn trồng xoài trên diện tích chưa quá 50 ha. Mối liên kết cũng chỉ dừng ở mô hình. Các doanh nghiệp chỉ thu mua nếu nông dân trồng xoài theo hướng an toàn. Trong khi đó, không phải nông dân nào cũng mạnh dạn chuyển đổi sang cách làm này. Vậy là nhiều nông dân vẫn tiếp tục với những vụ xoài mà đầu ra đều trông chờ ở các vựa mua gom. Và nhiều lúc, họ đành chấp nhận tình cảnh xoài đã chín mà chẳng dám thu hoạch.