Trong bối cảnh thiên tai diễn ra với tần suất cao như hiện nay, các tổ chức quốc tế đã đưa ra các khuyến nghị rằng: Việt Nam cần triển khai đồng bộ chương trình nông lâm kết hợp, đảm bảo an sinh cho người dân sống dưới tán rừng, từ đó bảo vệ được môi trường rừng vốn mong manh như hiện nay.
Tây Nguyên là địa bàn có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Trước sức ép của việc trồng cây công nghiệp, mỗi năm Tây Nguyên có gần 6 ngàn héc ta rừng tự nhiên biến mất. Thay vào đó là những vườn rẫy của nông dân. Nếu như triển khai sớm giải pháp nông lâm kết hợp chắc chắn sẽ cứu được hàng vạn, hàng triệu héc ta rừng tự nhiên. Phá rừng lấy đất sản xuất của Tây Nguyên cũng là thực trạng chung trên cả nước.
Vấn đề phá rừng lấy đất sản xuất khiến đất đai bị bạc màu, xói lở nghiêm trọng. Rủi ro do thiên tai gây ra ngày càng tăng. Thực tế này đang diễn ra tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Đây là khuyến cáo vừa được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị nông lâm kết hợp do Trung tâm nghiên cứu nông lâm thế giới vừa tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.
Mô hình nông lâm kết hợp đã triển khai có hiệu quả tại nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, thành công mô hình trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu dưới tán rừng nguyên sinh tại huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam là một minh chứng. Nhiều hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh thu về hàng chục tỷ đồng đồng. Mặc khác họ đã bảo vệ được cả ngàn héc ta rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn Ngọc Linh.