TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Phòng bệnh cho trẻ em và người già khi thời tiết rét đậm, rét hại

TTXVNCập nhật 14:54 ngày 10/01/2018

VTV.vn - Hiện nay, nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ xuống thấp, trời rét đậm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân, nhất là người có sức đề kháng kém.

Theo dự báo, thời tiết lạnh giá có thể kéo dài đến hết tuần nên người dân cần hết sức chú ý giữ ấm, phòng chống rét cho bản thân và gia đình.

Theo chuyên gia y tế, vào mùa Đông số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý về đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Vì vậy chủ động phòng tránh có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ sức khỏe, nhất là người già, trẻ em và người có các bệnh mãn tính về đường hô hấp như: hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản… Đây là những đối tượng hay bị tái phát bệnh, dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

* Chủ động nâng cao sức đề kháng, giữ ấm cơ thể

Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, nhất là trong thời tiết giá lạnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Mỗi người dân cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc  đảm bảo chế độ dinh dưỡng ở cả lượng và chất. Người dân nên ăn nhiều hoa quả, cân đối các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Các bác sỹ cũng khuyến cáo: Đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc ấm, nhưng không nên mặc cho trẻ quá nhiều áo, trẻ dễ bị toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho trẻ; đồng thời, cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

Người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều khi thời tiết thay đổi. Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm; trong khi đó các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp... cũng tiến triển nặng, đặc biệt là tăng huyết áp, dễ gây đột quỵ.

Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường. Ngoài ra, người già cần chú ý uống đủ nước dù trời lạnh, nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi. Các cụ cao tuổi phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch... Mặt khác, người cao tuổi cần duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết, giữ gìn sức khỏe ; duy trì chế độ ăn uống điều độ, bảo đảm giữ ấm khi thời tiết giá lạnh; tránh đi bộ ngoài trời mùa mưa, mùa đông vì rất dễ bị cảm lạnh…

* Một số bệnh thường gặp ở trẻ

Trẻ em dưới 3 tuổi có thể bị viêm mũi họng 1 năm 3 - 4 lần, thường vào những lúc thời tiết thay đổi đột ngột. Triệu chứng ban đầu là trẻ thường bị ho, sốt, nghẹt mũi một hoặc 2 bên, có thể có sốt cao (38 – 40 độ C), quấy khóc, bỏ ăn… Trẻ đã biết nói có thể sẽ than đau họng, nghẹt mũi, ù tai, đau tai, nhức đầu… Những ngày đầu mắc bệnh thường là do vi rút vì vậy không cần uống kháng sinh, chủ yếu là vệ sinh mũi họng cho trẻ. Nếu trẻ sốt từ (37 - 38,5 độ C), cha mẹ cần lau cho con bằng nước ấm, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả và cho uống hạ sốt (paracetamol). Nếu không bị bội nhiễm, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 - 10 ngày. Tuy nhiên nếu trẻ sốt cao 3 ngày liên tục, phải đưa ngay đến bệnh viện khám để loại trừ bệnh sốt xuất huyết, xác định chính xác trẻ bị nhiễm vi rút hay nhiễm trùng. Vì nhiễm trùng nếu không uống kháng sinh, bé sẽ không tự khỏi bệnh. Để phòng bệnh trong những ngày thời tiết trở lạnh, nên cho bé mặc đồ ấm, chú ý giữ ấm phần cổ và chân.

Bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirut là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do vi rút Rota gây nên. Bệnh hay phát mạnh vào mùa đông ở miền Bắc và thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3- 24 tháng tuổi. Vi rút Rota có khả năng tồn tại và sống dài ngày trong môi trường nên lây nhiễm rất cao. Vi rút lây chủ yếu qua đường tiêu hóa, qua lan truyền vi rút từ phân người bệnh vào môi trường xung quanh như nguồn nước, đồ vật, đặc biệt là qua bàn tay. Do hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, sức đề kháng kém, chưa có ý thức vệ sinh cao nên dễ bị tiêu chảy cấp do nhiễm vi rút Rota. Sau khi trẻ bị nhiễm vi rút Rota 1 - 4 ngày bắt đầu có các triệu chứng: Sốt nhẹ (37 – 38 độ C), có trẻ sốt cao 40 độ C; quấy khóc; nôn; sau đó tiêu chảy phân thường nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày (phân màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải). Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần. Thời gian bệnh thường kéo dài từ 3 - 7 ngày. Ngoài những triệu chứng trên trẻ có thể ho, sổ mũi... Chính những biểu hiện này nhiều người dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp thường rất mệt mỏi, sụt cân, kém ăn. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là khô kiệt do mất nước, mất muối dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, tốt nhất khi trẻ bị tiêu chảy, cần bù nước và chất điện giải bằng dung dịch oresol (dung dịch này có thể mua tại các hiệu thuốc), pha theo đúng hướng dẫn. Khi pha dung dịch oresol không chia nhỏ gói ra pha từng lần vì như thế không chính xác được lượng thuốc, nước và có thể làm mất tác dụng của thuốc. Gia đình không tự ý sử dụng nước lá ổi, nước gạo rang... như vậy sẽ làm cho phân vón lại nhưng thực ra quá trình viêm trong ruột vẫn diễn ra. Trường hợp phân không thải ra ngoài sẽ tích lại khiến bụng trướng, khiến trẻ ăn uống kém, khó khăn cho quá trình điều trị…

Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống - Nhìn từ một thị trấn mới

VTV.vn - Nghị quyết Đại hội lần thứ 20 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi xác định, phấn đấu xây dựng xã Tịnh Hà và một phần xã Tịnh Sơn huyện Sơn Tịnh thành thị trấn của huyện Sơn Tịnh.