Theo rà soát của UBND xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) có 11 hộ dân trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp, nhưng phần lớn quỹ đất mà người dân chuyển đổi có điều kiện sản xuất rất khó khăn: ruộng ở sát núi và sông, suối, mùa khô thì thiếu nước tưới, còn mùa mưa, nước trên núi tràn xuống không chỉ gây thiệt hại cho các loại cây nông nghiệp mà còn gây xói lở đất. Chính vì đặc thù này, thay vì buộc phải phá bỏ cây trồng và chấm dứt hợp đồng, một số địa phương đã tiến hành rà soát lại quỹ đất, xem xét loại cây trồng nào phù hợp hơn với chân đất rồi mới họp lấy kiến người dân và đưa ra quyết định xử lý.
Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ, tự phát như một số địa phương ở tỉnh Phú Yên, việc lựa chọn cây trồng hợp lý để cải thiện thu nhập là điều không đơn giản. Vì vậy, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà là cần thiết. Với sự liên kết này, người dân vừa đảm bảo đầu ra cho nông sản, vừa nắm bắt được chủ trương sử dụng đất của địa phương.