TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Phú Yên: Ruộng ngập úng kéo dài, khi nào giải quyết cho người dân?

Nguyên LinhCập nhật 21:11 ngày 13/01/2022

VTV.vn-Suốt hơn 2 năm qua, hơn 100 ha lúa của người dân ở TP Tuy Hòa, Phú Yên đã không thể sản xuất sau khi các công trình hạ tầng được thi công xung quanh diện tích đất lúa này.

Nhiều lần các cơ quan, đơn vị có liên quan hứa với nông dân về việc bồi thường và xử lý ngập úng nhưng đã 2 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chậm xử lý càng lâu, nông dân càng khó. Khó vì có ruộng nhưng không thể sản xuất. Khó vì có ruộng nhưng không có gạo ăn. Ruộng lúa 2 vụ đã bỏ hoang cho cỏ mọc hơn 2 năm nay trong khi đó nông dân không việc làm, không thu nhập nên nhiều hộ gặp nhiều khó khăn, nhất là 2 năm qua, nhiều gia đình bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, nguyên nhân gây ngập úng hơn 100ha lúa dân là do thi công dự án đường Nguyễn Trãi nối dài từ tháng 6/2019 đã làm 1 đoạn rạch Bầu Hạ bị san lấp. Mặt khác, đập ngăn nước tại dự án hồ điều hòa Hồ Sơn được thi công cao hơn cao trình thiết kế 0,12m khiến cho tình trạng ngập úng cánh đồng Bầu Hạ nặng hơn. Nguyên nhân khiến ruộng lúa nông dân ngập úng đã rõ nhưng đền bù cho người dân vẫn kéo dài.

Đến ngày 10/01/2022, tỉnh Phú Yên đã hoàn thành gieo sạ vụ Đông Xuân theo lịch thời vụ. Tuy nhiên, cánh đồng rộng hơn 100 hecta này vẫn ngập chìm trong nước. Lại thêm vụ nữa, nông dân không sản xuất được lúa, còn đền bù thì mòn mỏi chờ đợi.

Cùng với việc giải quyết kiến nghị bồi thường cho nông dân thì chính quyền địa phương nên có giải pháp khắc phục ngập úng. Nếu không được thì tiến hành các thủ tục thu hồi đất, đền bù để người dân có kinh phí chuyển đổi sản xuất.

Việc hơn 100ha đất lúa của nông dân 3 phường bỏ hoang không thể sản xuất đã được cử tri phản ánh lên đại biểu hội đồng nhân dân. Đại biểu hội đồng nhân thì chất vấn lại các cơ quan chức năng đã nhiều lần. Và trong kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên mới đây nhất, một lần nữa vấn đề này được đặt ra. Là công trình nằm trên địa bàn thành phố Tuy Hòa và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế người dân nên lãnh đạo thành phố cam kết giải quyết triệt để cho người dân. Vậy, đến khi nào dân nhận được đền bù?

Ngay sau khi cam kết trước kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII về việc xử lý triệt để đền bù cho người dân có ruộng bị ngập úng vì thi công hạ tầng các công trình xung quanh hơn 100ha ruộng của dân, UBND thành phố Tuy Hòa đã thành lập đoàn xác định giá trị thiệt hại của người dân và 1 đoàn thanh tra trách nhiệm đền bù. Ban đầu xác định được thiệt hại của dân.

Đến bây giờ đã xác định xong được nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và giá trị thiệt hại là 11,4 tỷ đồng. Vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa đã có báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và kiến nghị đôn đốc các đơn vị có liên quan chi trả dứt điểm cho nông dân trước tháng 6/2022.

Lần này Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa xử lý vấn đề cử tri kiến nghị rất quyết liệt và đúng theo cam kết đã hứa tại phiên chất vấn của Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên cuối năm 2021. Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện chi trả bồi thường cho nhân dân theo sự phân công của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên cuối năm 2021, nhiều đại biểu đã chất vấn, tranh luận về nội dung bồi thường thiệt hại cho nông dân do thi công các công trình hạ tầng xung quanh. Bà Cao Thị Hòa An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tọa kỳ họp - đã giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện cho Ban Kinh tế - Ngân sách. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan sớm giải quyết kiến nghị; không để thất hứa với cử tri thêm lần nữa.

Như vậy, với việc xác định nguyên nhân, thiệt hại cụ thể và có sự giám sát Hội đồng nhân dân, hy vọng đến tháng 6 năm nay, người dân có ruộng bị ngập sẽ nhận được tiền đền bù thiệt hại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.