Hai ngày một lần, ông Nguyễn Ngọc Lẫm và hàng xóm tại thôn 8, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lại phải chung tiền để mua một xe nước sinh hoạt với giá 100.000 đồng. Gọi là nước sạch, nhưng thực chất đây cũng chỉ là nước giếng khoan được người dân hút lên đem bán. Đã gần 2 tháng nay, không chỉ gia đình ông Lẫm, nhiều hộ gia đình khác tại khu vực này hàng ngày cũng phải mua nước sinh hoạt với giá cao, tuy nhiên nhiều hôm còn không có nước mà mua.
Hiện nay, Hồ Vực Xanh tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có dung tích trên 3,2 triệu m3 nước, cung cấp nước sản xuất cho 230 héc ta đất canh tác, 10 năm nay chưa năm nào mực nước hạ thấp như vậy. Nhiều hồ, sông, ngòi, ao tại Quảng Bình cũng lâm vào cảnh tương tự. Để có thể ứng cứu sản xuất, những khu vực gần đến mùa thu hoạch, nhiều họng bơm dã chiến với công xuất 1200m3/h đã được dựng lên, tận dụng tối đa nguồn nước trong các ao, đập, luồng lạch để bơm, nhiều giải pháp chống hạn như tu bổ công trình, nạo vét kênh mương, khơi thông luồng lạch đã được thực hiên tuy nhiên, do nắng nóng khô hạn kéo dài vào những tháng qua nên nguồn nước trên các hồ chứa, đập dâng có nguy cơ cạn kiệt, khan hiếm
Huyện Quảng Trạch và Thị xã Ba Đồn hiện có trên 3000 héc ta đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn với nồng độ cao, nếu sắp tới vùng này không có mưa lũ thau chua rửa mặn thì diện tích trên không thể trồng lúa. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn quốc gia, nắng nóng còn có thể kéo dài đến hết tháng 8, do đó trong thời gian tới Quảng Bình cần rà soát tất cả các công trình thủy lợi và cân đối điều tiết nguồn nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!