Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, mỗi cộng đồng dân cư, hay nói rộng ra là mỗi một dân tộc anh em có những nét văn hóa đặc trưng riêng. Những năm qua, từ trung ương và cả địa phương rất quan tâm và đầu tư đúng mức để bảo tồn văn hóa các dân tộc. Và đây là mục tiêu quan trọng bởi văn hóa các dân tộc là tài sản vô giá góp phần tạo ra bản phong phú cho nền văn hóa Việt Nam.
Miền Trung được biết đến là con đường di sản. Chính di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã định vị được các sản phẩm du lịch, thu hút du khách, mang lại nguồn thu lớn. Sau khi khai thác rất hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống ở đồng bằng, tỉnh Quảng Nam đã tập trung bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc tại 9 huyện miền núi làm nền tảng để phát triển du lịch cộng đồng. Đây được xem là bước đi đúng hướng đạt được mục tiêu kép: bảo tồn văn hóa - phát triển du lịch cộng đồng - cải thiện đời sống vật chất nâng cao giá trị tinh thần cho bà con vùng cao này.
Quảng Nam đã linh hoạt trong việc xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn văn hóa. Nhờ vậy mà nhiều giá trị văn hóa đồng bào dân tộc ít người tưởng chừng như mai một đã dần phục hồi. Tuy nhiên, Quảng Nam không tốn quá nhiều tiền để phục dựng các lễ hội hay dàn dựng các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Cách mà tỉnh này bảo tồn văn hóa là dựa vào cộng đồng, già làng. Nghệ nhân là trung tâm, dân làng là chủ thể trong việc bảo tồn văn hóa. Làng cũng là nơi để diễn xướng, cộng đồng làng là khán giả. Môi trường diễn xướng gắn với lao động, sinh hoạt hằng ngày.
Quảng Nam hiện có hơn 130 người thuộc 4 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi. Nhờ làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn văn hóa, những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng cao. Thổ cẩm, nói lý, cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu và cây nêu của đồng bào Kor được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây chính là sự ghi nhận những nỗ lực bảo tồn, gìn giữ vốn quý văn hóa của cộng đồng.
Hơn 10 năm trước, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ nhiều cộng đồng làng khôi phục các làng nghề truyền thống. Ngoài ra, địa phương kết hợp sắp xếp dân cư gắn với xây dựng làng văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng làng. Đây được xem là không gian văn hóa sống thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm và khám phá nét đẹp văn hóa. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thành công với mô hình du lịch cộng đồng tại các huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang.
Song song với mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh Quảng Nam đang đang thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn vùng núi cao để phát triển mô hình du lịch văn hóa, khám phá. Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào mô hình du lịch mới này. Không chỉ dựa sản phẩm du lịch văn hóa, bà con đồng bào dân tộc tại chỗ đã được tuyển dụng vào làm việc tại các khu du lịch. Có thể nói, việc phát triển loại hình du lịch mới tại miền núi cao tỉnh Quảng Nam đã đạt được mục tiêu kép: bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Quảng Nam là một trong số ít những địa phương ở miền Trung sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Sau thành công phát triển du lịch văn hóa tại hai di sản thế giới là Mỹ Sơn và Hội An, tỉnh này đang chú trọng phát triển mô hình du lịch văn hóa cộng đồng. Quảng Nam khai thác rất tốt lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, lợi thế về văn hóa để phát triển loại hình du lịch xanh tại khu vực miền núi. Mỗi năm, hàng vạn du khách đã ngược rừng đến với Trường Sơn để đắm chìm vào các sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em. Và nơi đây, cả núi rừng đại ngàn và trầm tích văn hóa ngàn đời đã được đánh thức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!