Sáng 22/11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có 36 người chết, 1 người mất tích, 113 người bị thương; tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng.
Ngập lụt đã xảy ra tại 82 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố; làm 138 nhà bị thiệt hại nặng (trên 70%) và 313 nhà bị hư hỏng; 288 trường học bị ngập nước, 97 phòng học và nhiều trang thiết bị, máy móc, hóa chất bị hư hỏng; 55 cơ sở y tế bị ngập nước và máy móc thiết bị hư hỏng.
Mưa lớn cũng làm sạt lở 42 vị trí trên các tuyến quốc lộ với tổng khối lượng khoảng 900.000m3; các tuyến đường tỉnh, huyện, xã bị sạt lở khoảng 1.600.000m3, cầu Hà Tân (huyện Duy Xuyên) bị sụt lún nghiêm trọng. Cùng với đó, tràn xả lũ hồ chứa Nước Rôn (huyện Bắc Trà My) bị sạt lở; 46 đập thời vụ bị cuốn trôi, hư hỏng và khoảng 54.000m kênh mương bị sạt lở; 1.100m bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An), 500m bờ biển Cửa Lở (huyện Núi Thành) và 6.630m bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hỏng….
Về sản xuất, mưa lũ đã làm gần 2.100 ha hoa màu bị thiệt hại, gần 3.000ha cây trồng ngã đổ, hơn 3.700 gia súc, 257.000 gia cầm bị nước cuốn trôi; 204ha ao nuôi cá bị sạt lở và 02 thuyền bị hỏng hoàn toàn. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng.
* Người dân Quảng Nam thấp thỏm trước diễn biến mưa lũ
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa liên tục trên diện rộng. Mực nước tại các hồ thủy điện nhanh chóng đạt đến cao trình phải xả hồ chứa, thủy điện xả nước đúng với quy trình vận hành.
Đến thời điểm này tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, mưa đã giảm. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa lớn lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào… Người dân vùng hạ du luôn trong tâm thế sẵn sàng đón lũ, nhưng họ không khỏi phấp lỏm lo âu. Bởi khi nước lũ về không chỉ nhấm chìm đường xá, ruộng vườn, mà còn có khi lấy đi công sức, nhà cửa, tài sản cơ ngơi cả đời lao động của người dân.