Cho ý kiến về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), cơ bản các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước và cho rằng, việc ban hành Luật Căn cước nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành. Góp ý cho dự án Luật, các đại biểu quan tâm cho ý kiến về một số nội dung như: quy định cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi; việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; quản lý căn cước điện tử.
Đối với Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Viễn thông sau hơn 13 năm thi hành nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Viễn thông thời gian qua.Cho ý kiến tại tổ, các đại biểu đã góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; tính tương thích với điều ước quốc tế; kinh doanh viễn thông; quỹ Dịch vụ viễn thông công ích; cấp giấy phép viễn thông; kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; tài nguyên viễn thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!