Trước thực trạng khai thác gần như tuyệt chủng những cánh rừng Kiền Kiền, một trong những giống gỗ rừng đặc hữu quý hiếm ở Quảng Nam, Già làng A Lăng Đam đã nảy ra ý nghĩ gây rừng để bảo tồn, gìn giữ giống gỗ quý hiếm này cho con cháu mai sau. Vậy là hơn 15 ha đất nương rẫy của gia đình đã được Già âm thầm lặng lẽ, ươm mầm cho hơn 1500 gốc kiền kiền bản địa. Đến nay, sau 23 năm chăm chút cánh rừng quý hiếm này đã thật sự đơm hoa kết trái.
Trải dài trên triền đồi ngay sau lưng làng A Đu ở xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, cánh rừng Kiền Kiền có tuổi đời 23 năm này giờ thật sự đã là báu vật không chỉ với già làng A Lăng Đam mà còn với cả đồng bào Cơ Tu nơi đây. Do hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, và được bố trí theo hình chữ chi rất khoa học nên hiện nay mỗi cội kiền kiền ở đây đã cho đường kính từ 20 - 30 cm. Nhiều cây đã vươn cao trên 50 mét.
Với tâm nguyện gây rừng để bảo tồn, gìn giữ giống kiền kiền đặc hữu của quê nhà, và cho con cháu sau nay, già làng A Lăng Đam đã vượt qua rất nhiều sự cám dỗ từ các đầu nậu gỗ. Đã có không ít người ngã giá mua mỗi gốc Kiền kiền lên đến 10 triệu đồng để hạ cây, làm gỗ làm trụ nhà rường nhưng Già vẫn kiên quyết từ chối. Hiện Già đang liên kết với Ban quản lý Rừng Phòng hộ Đông Giang để phát triển thành rừng giống và phát triển du lịch sinh thái, tạo môi trường để giáo dục cho đồng bào hiểu hơn về giá trị rừng.
Khi mà giữa những rừng nguyên sinh, những cây kiền kiền Cổ thụ gần như không còn nữa, thì cánh rừng kiền kiền của Già A Lăng Đam được ví như là một bảo tàng sống của đại ngàn Trường Sơn. Đây sẽ là nơi hẹn đến không chỉ đối với các nhà nghiên cứu hệ sinh thái rừng nhiệt đới, mà còn bài bài học quý về trồng cây gây rừng mà nhiều thế hệ hôm nay và mai sau phải học hỏi, làm theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!