Hội nghị toàn quốc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có quy mô lớn, nhằm đánh giá thực trạng công tác phòng chống thiên tai những năm qua và đưa ra những giải pháp ứng phó căn cơ trong thời gian tới. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố và hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước.
Đây là hội nghị có quy mô lớn, nhằm đánh giá thực trạng công tác phòng chống thiên tai những năm qua và đưa ra những giải pháp ứng phó căn cơ trong thời gian tới. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố và hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam là đất nước "sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa". Song với tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết một lòng chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng thiên tai, địch họa. "Tinh thần ấy phải được ngấm sâu, hun đúc và phát huy trong tâm trí của mỗi người con và mỗi gia đình nước Việt", Thủ tướng nhấn mạnh.
Biểu dương các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và địa phương trong công tác phòng chống thiên tai song, Thủ tướng cũng nêu rõ, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh ảnh hưởng lớn nhất bởi thiên tai, do vậy các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải nhận thức rõ vấn đề này và luôn chủ động trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là công tác 4 tại chỗ, khắc phục tư tưởng chủ quan.
Công tác phòng, chống, tránh và thích ứng với thiên tai phải được thực hiện một cách chủ động, thuận thiên để giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống, bảo vệ và phát triển sản xuất của nhân dân; không để người dân nào phải ở trong cảnh "màn trời chiếu đất, thiếu nước, thiếu đói do thiên tai gây ra". Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở huy động toàn xã hội tham gia tích cực vào công tác phòng chống thiên tai vì mục tiêu cao nhất là xây dựng một xã hội an toàn.
Thủ tướng cho rằng, việc thành lập Tổng cục thiên tai cũng là một quyết sách đúng nhằm hình thành cơ quan giúp việc, tham mưu tốt, hiệu quả cho Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phối hợp phòng, chống, ứng phó với thiên tai.
Nhấn mạnh đến định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị phải coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phòng chống thiên tai.
Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả"muốn giảm thiệt hại thì phải xác định vai trò của con người là trọng tâm". Thực hiện các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, theo hệ thống liên khu vực, liên vùng, liên ngành, đặc biệt là ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với việc kế thừa những kinh nghiệm truyền thống.
Nội dung phòng chống thiên tai phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, địa phương để giảm thiểu rủi ro. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; kết hợp giải pháp công trình, phi công trình, khôi phục và nâng cấp trong thiên tai tốt hơn; thực thi các cam kết quốc tế và Việt Nam đối với lĩnh vực này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải hình thành tổ chức bộ máy và thể chế tốt hơn nữa để phục vụ công tác này. Bộ máy làm công tác thiên tai phải là cán bộ giỏi chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm phải cao với công việc và nhân dân. Đi liền với đó là vấn đề thể chế (thể chế về pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn...) phải đảm bảo an toàn. Các chính sách về tài chính, công tác xã hội hoá đối với phòng chống thiên tai cần được đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tăng cường sự chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan theo hướng tập trung, hiệu lực, hiệu quả, chủ động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc tham mưu, đề xuất trong công tác gắn liền với tính kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện.
Các địa phương tích cực tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, truyền thông kịp thời về phòng chống thiên tai và chú trọng công tác đào tạo cán bộ trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Liên quan đến công tác phòng chống thiên tai tại các khu vực, Thủ tướng đề nghị các tỉnh lưu tâm và có sự chỉ đạo chủ động, kịp thời các vấn đề như: mưa lũ, sạt lở đất, an toàn hồ đập, quy trình liên hồ, xả lũ, khu vực neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thuỷ sản... bảo đảm an toàn ở cùng hạ du các hồ thuỷ điện đặc biệt đảm bảo an toàn thủ đô Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ lắng nghe, tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở đó tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết về công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích; thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm, tuy nhiên thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện có xu hướng gia tăng.
Năm 2017 - là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông. Thiệt hại bão số 10 làm 6 người chết, 3.200 nhà bị sập, đổ, gần 200.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái, nước dâng sóng lớn gây hư hỏng nặng các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên Huế,... về kinh tế khoảng 18.402 tỷ đồng. Bão số 12 làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà bị sập đổ, gần 300.000 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng bè nuôi thủy sản,.. về kinh tế khoảng 22.679 tỷ đồng.
Thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết, 8.166 nhà bị đổ, trôi; 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm).
Trước những diễn biến bất thường khốc liệt của thiên tai nhưng nhờ công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy được triển khai quyết liệt, linh hoạt, kịp thời chính xác nhất là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và hầu hết các địa phương đã không để xảy ra vỡ đê, không phân lũ, giảm ngập lụt hạ du hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Công tác dự báo, thông tin truyền thông đạt nhiều tiến bộ; đặc biệt thông tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đã được truyền tải tới hầu hết các tầu thuyền trên biển, người dân hoạt động ở khu vực ven bờ, trên bờ; góp phần giúp ngư dân chủ động phòng tránh bằng hệ thống các đài duyên hải, các trạm ven bờ, hệ thống Movima và đặc biệt là sự kêu gọi, kiểm đếm của lực lượng Biên phòng tuyến biển. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc tăng thời lượng phát tin trên sóng truyền thanh, truyền hình và gần đây là sử dụng tin nhắn của các nhà mạng, góp phần vào hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.