Rừng thông ven quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông là rừng phòng hộ cảnh quan đã bị người dân tàn phá và lấn chiếm gần hết. Điều đáng nói là những người tham gia phá rừng lấy đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác nhằm trục lợi nhưng không xử lý triệt để. Nghe tin đất rừng sẽ được hợp thức hóa, nhiều người bức xúc.
Một quy trình phá rừng hàng chục năm nay không hề thay đổi. Những cánh rừng nguyên sinh bị thiêu sống. Ngay sau đó, những trụ tiêu được dựng lên. Chẳng mấy chốc, những cánh rừng nguyên sinh thành rẫy của người dân. Tây Nguyên hiện còn hơn 3 triệu 300 nghìn héc ta rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp. Trung bình mỗi năm, Tây Nguyên có gần 6 nghìn héc ta rừng tự nhiên bị biến mất. Chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên đã dùng nhiều giải pháp song vẫn không ngăn chặn được nạn lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.
Hầu hết, rừng ở Tây Nguyên đã giao về cho các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp và chính quyền địa phương quản lý nhưng nạn lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra tràn lan. Tốc độ phá rừng ở Tây Nguyên tỷ lệ thuận với việc phát triển diện tích cây công nghiệp. Việc thu hồi 280 nghìn héc ta rừng bị lấn chiếm trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên - theo Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Và nếu thu hồi cần phải có giải pháp ổn định cuộc sống của hàng vạn hộ gia đình dân di cư tự do.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!