Bắt đầu từ rạng sáng cho đến 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, các gia đình ở Huế thường làm một mâm cỗ để đưa ông Công, ông Táo vầ chầu trời. Một vật phẩm không thể thiếu đối với lễ cúng ông Công ông Táo với người Huế đó là tượng của Tam vị Táo quân. Mặc dù có những thay đổi về màu sắc, nhưng nhìn chung những bức tượng đều mang đậm giá trị của văn hóa dân gian. Sau lễ cúng, theo phong tục của người dân Huế, thì những bức tượng ông Táo thường được đưa ra các vị trí thông thoáng như ngã ba, hay các gốc cây cổ thụ với quan niệm tiễn ông Táo về trời.
Tại một số vùng của Thừa Thiên Huế, người ta còn có phong tục thả cá chép với quan niệm cá hóa rồng đưa ông Táo lên chầu trời. Thả cá chép tiễn ông Táo về trời mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới tốt lành, vạn sự như ý. Trong tâm thức người dân, thả cá chép còn mang ý nghĩa thăng hoa, biểu tượng cho tinh thần vượt khó. Chính vì thế mà phong tục này vẫn đang được lưu truyền như một bản sắc văn hóa của dân tộc.
Dù trong nhịp sống hiện đại thì người Việt vẫn luôn quan niệm bếp lửa là nguồn cội của hạnh phúc. Chính vì vậy việc giữ phong tục tiễn ông Táo về trời được xem là sự nhắc nhở đối với tất mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về việc giữ gìn và vun đắp cho tình cảm gia đình.