Các nhà ngoại giao Nga rời London, Anh. (Ảnh: Reuters)
Ở Brussels, Bỉ, một số quan chức cho biết, hành động phối hợp trục xuất nhà ngoại giao Nga vào ngày 27/3 chứng minh châu Âu vẫn đoàn kết bất chấp việc Anh rời khối hay chia rẽ trong đàm phán Brexit. Tuy nhiên, một số khác cho rằng, hành động đó thực ra chỉ có lợi cho Thủ tướng Anh Theresa May. Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Malta khẳng định không muốn hủy hoại quan hệ song phương với Nga và nhấn mạnh, cần điều tra kỹ vụ Skripal trước khi đưa ra kết luận về mối liên hệ giữa Nga với vụ đầu độc. Áo đã khiến Brussels thực sự thất vọng khi từ chối tham gia vào hành động tập thể của EU.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz phát biểu: "Chính phủ Áo nhất trí không đưa ra bất kỳ biện pháp nào ở cấp độ quốc gia đối với Nga. Với tư cách là cầu nối giữa Đông và Tây Âu, Áo mong muốn duy trì các kênh đối thoại mở với Nga và tiếp tục hợp tác để khôi phục quan hệ Đông - Tây".
Về phần mình, Chủ tịch luân phiên của EU là Bulgaria cho biết, nước này duy trì quan điểm trung lập và không đưa ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Thủ tướng Bulgaria Boilo Borisov cho biết: "Hiện chưa có bằng chứng cụ thể về thủ phạm vụ đầu độc cựu điệp viên Nga nên chúng tôi chưa thể đưa ra hành động".
Italy đang thể hiện sự chia rẽ trong vấn đề này. Trong khi chính quyền Rome trục xuất 2 nhân viên ngoại giao Nga, thủ lĩnh đảng cực hữu Liên đoàn Matteo Salvini, ứng cử viên sáng giá cho chức Thủ tướng Italy, lại chỉ trích quyết định trục xuất. Ông Matteo Salvini bình luận: "Để phản đối Nga, việc áp đặt các lệnh trừng phạt hay trục xuất các nhà ngoại giao sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Tốt nhất chúng ta nên đối thoại".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!