Trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7, tại nhà máy nước Cầu Đỏ, cứ 2 ngày thì có một ngày nguồn nước đầu vào nhà máy bị nhiễm mặn. Có lúc độ mặn gấp 7 lần cho phép. Tình trạng nhiễm mặn xảy ra nhiều năm nay nhưng Công ty cấp nước Đà Nẵng vẫn chưa thể xử lý rốt ráo chỉ vì lệ thuộc hoàn toàn vào các thủy điện ở thượng nguồn. Trong khi nguồn nước sinh hoạt của người dân Đà Nẵng nhiễm mặn nghiêm trọng thì ở thượng nguồn, các dòng sông đang trơ đáy do thủy điện khống chế dòng chảy tự nhiên. Sông Đắk Mi – mạch nguồn chính cung cấp nước cho nhà máy nước Cầu Đỏ đang là dòng sông chết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân ở hạ du sẽ phải tiếp tục dùng nước nhiễm mặn.
Từ năm 2012, khi nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 hoàn thành việc chặn dòng phát điện thì chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường can thiệp. Chính phủ đã yêu cầu thủy điện này trong cao điểm mùa khô phải xả 25m3/giây về hạ du nhưng thủy điện Đắk Mi 4 vẫn chưa thực hiện đúng quy định. Có một nghịch lý là vào mùa nắng, thủy điện Đắk Mi 4 giữ không cho nước về sông Vu Gia khiến hạ du thiếu nước; nhưng khi mùa mưa lũ, thủy điện này lại xả đáy về sông này có lúc lên đến trên 3000m3/s. Hoa màu, nhà cửa ở hạ du đã không ít lần bị chìm trong nước lũ, trong đó có một phần do thủy điện xả. Đến bao giờ nghịch lý này mới chấm dứt?.